(CMO) Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số đã giúp phụ nữ Cà Mau mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn thông tin, tri thức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn trong quản lý, điều hành công tác Hội cũng như trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển.
Tận dụng các nền tảng số như Zalo, Facebook, Tiktok..., chị Trần Ngọc Tiểm, ấp Bờ Ðập, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, mở gian hàng buôn bán các đặc sản địa phương trên không gian mạng. Không chỉ tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, cơ sở của chị còn tạo việc làm cho nhiều chị em tại địa phương.
Chị Trần Ngọc Tiểm chia sẻ: “Hội Phụ nữ xã giới thiệu cho tôi tiếp cận được trang bán hàng trên mạng, cài đặt kênh riêng cho mình. Các sản phẩm đưa lên bán, tôi đều quay chi tiết cho khách coi để khách hàng yên tâm về vấn đề an toàn vệ sinh, chất lượng. Ban đầu khách mua số lượng ít, sau đó họ ưa chuộng, tôi bán được lượng hàng ngày càng nhiều hơn. Thấy mấy chị em ở xóm không có việc làm lúc rảnh rỗi, tôi giúp đỡ chị em có việc làm, thu nhập mỗi người cũng được 100-200 ngàn đồng/ngày”.
Chị Trần Ngọc Tiểm, ấp Bờ Ðập, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi, sử dụng mạng xã hội bán hàng không chỉ tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho nhiều chị em tại địa phương. |
Ðến thời điểm này, trên địa bàn xã Trần Phán, các sản phẩm mà chị em làm ra đã được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng, đặc biệt là sản phẩm của những chị em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được giới thiệu đăng tải trên nhóm Facebook, Zalo của phụ nữ xã, bước đầu mang lại hiệu quả, giúp chị em có thêm cơ hội thoát nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Ðể thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm của các chị em hội viên, nhất là những chị em có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện Ðầm Dơi đã vào cuộc hỗ trợ hội viên như: huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream giới thiệu sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm, đăng bán trên nền tảng mạng xã hội thông qua mô hình “Mỗi tuần một sản phẩm”.
Bà Nguyễn Thị Màu, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi, cho biết, thực hiện kế hoạch “Mỗi tuần một sản phẩm”, trong năm có 16/16 cơ sở hội thực hiện, đã có 640 sản phẩm của chị em làm ra được giới thiệu đến người tiêu dùng thông qua trang Facebook của Hội. “Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong hội viên phụ nữ, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ thông tin, đào tạo nghề, thành lập các mô hình kinh tế tập thể. Ðể vận động hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và quan tâm nâng tầm sản phẩm hơn, các cấp hội sẽ tiếp tục tiếp sức cho chị em vượt qua những rào cản, thách thức để đón nhận những cơ hội và lợi ích khởi nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số”, bà Nguyễn Thị Màu thông tin.
Bà Nguyễn Thị Màu cho biết thêm, tăng cường hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, các cấp Hội trong huyện đã chỉ đạo, tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào quá trình hoạt động của Hội như: Zalo, Facebook…, họp trực tuyến qua phần mềm Zoom, Google Meetings. Hiện nay, các cấp hội trong huyện đang quản lý cán bộ, hội viên qua phần mềm quản lý cán bộ, hội viên của Trung ương Hội, phần mềm này thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Qua việc thực hiện các ứng dụng trên đã hỗ trợ rất hiệu quả cho các hoạt động Hội và phong trào phụ nữ.
Trên địa bàn xã Trần Phán, chị em phụ nữ được hướng dẫn, giới thiệu cách tiếp cận các trang bán hàng trên mạng xã hội và tự cài cặt kênh riêng cho mình, qua đó thuận lợi trong tiêu thụ hàng hoá, tăng thu nhập. |
Việc ứng dụng phần mềm quản lý hội viên giúp Hội dễ dàng hơn trong việc nắm bắt những thông tin của chị em. Chẳng hạn, nếu như trước đây với việc lưu văn bản, hồ sơ trên giấy, sổ sách, nếu muốn tra thông tin của hội viên thì rất mất thời gian và công sức; còn hiện nay, việc tra thông tin hội viên có thể được thực hiện mọi lúc mọi nơi thông qua phần mềm. Các hoạt động hội cũng được cập nhật vào đây, văn bản được triển khai đến hội viên nhanh hơn và chị em nắm bắt kịp thời hơn.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chuyển đổi số vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là động lực để tiến nhanh, tiến xa hơn trong mọi lĩnh vực phát triển của đời sống kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số còn là cơ hội lớn để chị em phụ nữ nắm bắt nhanh chóng thông tin tình hình thị trường, tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong giao dịch thương mại, tiếp cận khách hàng, quản lý hoạt động và nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình sản xuất kinh doanh, mở ra không gian phát triển, tạo ra các giá trị mới./.
Vũ Trân