(CMO) Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu, người dân tại các vùng ven sông, ven biển, đặc biệt là chị em phụ nữ ý thức hơn trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra.
Bà Tiêu Việt Tiên, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Những năm qua, Hội LHPN tỉnh thực hiện nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trước thiên tai, gần đây nhất là chuỗi hoạt động tuyên truyền quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Hoạt động triển khai rộng khắp ở 9 huyện, thành phố. Trong đó, tập trung ở các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai và chịu tác động từ sạt lở đất, nước dâng...”.
Hội sẽ mở đợt tập huấn tại mỗi địa phương, đối tượng tham gia là các chi hội trưởng, chi hội phó chi hội phụ nữ, sau đó về tuyên truyền lại cho từng tổ, hội viên. Ngoài những kiến thức cơ bản về phòng, chống rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, còn hướng dẫn người dân xây dựng kế hoạch phù hợp từng vùng miền, kèm theo đó là trang bị các dụng cụ, trang thiết bị ứng phó với các loại hình thiên tai.
Tại tỉnh Cà Mau, các loại hình thiên tai thường xuyên tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế của người dân chủ yếu là: nước dâng, sạt lở, ngập, mưa bão, dông lốc. Trên cơ sở khảo sát đặc điểm địa hình kinh tế, xã hội từng nơi mà có bước tuyên truyền thiết thực, để từng hộ gia đình hiểu và thực hiện đúng.
Ðối với ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, trước mùa mưa bão, do địa bàn khá rộng nên Chi hội Phụ nữ ấp chia làm 6 tổ đến từng nhà để vận động, trấn an tâm lý mọi người và hướng dẫn một số công việc cần thực hiện nhanh chóng như: chằng chống nhà cửa, kê cao đồ đạc; với những nhà cơ bản, tạm bợ, người dân có thể gia cố lại những phần yếu, hoặc dùng bao tải chứa cát dằn trên nóc.
Ở vùng thường xuyên chịu tác động từ biến đổi khí hậu, những hộ dân không có điều kiện cất nhà kiên cố sẽ chọn giải pháp cất nhà “cao cẳng” để tránh tình trạng ngập nước khi thuỷ triều dâng. Bên cạnh đó là thói quen kê cao vật dụng, đặc biệt là các thiết bị có sử dụng điện, thực phẩm, những vật có giá trị giúp hạn chế hư hỏng, thất thoát khi xảy ra sự cố bất ngờ.
Tại buổi tập huấn tuyên truyền quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tổ chức tại xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, vào tháng 8 vừa qua, từng chi hội tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi về những khó khăn khi chịu ảnh hưởng bởi thiên tai tại khu vực sinh sống. |
Bà Trần Cẩm Màu (ấp Hoà Hải, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi) cho biết: “Trước khi cất nhà, gia đình đã tính toán bồi thêm đất để nhà cao ráo. Mặt khác, nhà có nuôi tôm công nghiệp nên cũng đắp bờ cao, lót bạt, che chắn cẩn thận. Quanh nhà trồng nhiều cây xanh vừa làm mát, xanh tuyến đường, vừa để cản gió lùa trực tiếp vào nhà. Gia đình mua sắm nhiều thùng phuy cỡ lớn, chắc chắn để trữ nước ngọt, hoặc khi cần thiết có thể trữ thực phẩm, đựng quần áo, đồ đạc...”.
Ðể duy trì hiệu quả, tập hợp được lực lượng nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền, nhanh chóng hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời khi xảy ra rủi ro, Hội LHPN tỉnh còn xây dựng mô hình “Phụ nữ với công tác ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai” tại mỗi huyện, thành phố, trong đó chọn 1 xã làm điểm. Ðịnh kỳ hàng tháng sẽ tổ chức sinh hoạt, nội dung tuyên truyền phòng, chống thiên tai gắn với từng thời điểm cụ thể.
Song song đó, tận dụng lợi thế đường truyền nhanh và độ phủ sóng của mạng xã hội, thành lập các nhóm Zalo để thông tin thêm, có thể lồng ghép cập nhật, theo dõi diễn biến tình hình khi cần. Ngoài ra, dự kiến sẽ cho xuất bản 6.000 cuốn cẩm nang tuyên truyền phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; trong đó tập trung tuyên truyền những điểm mới của Luật Phòng, chống thiên tai sửa đổi, bổ sung; các kỹ năng, kế hoạch ứng phó, với phương châm “4 tại chỗ”.
Tuy nhiên, một thực tế cần lưu tâm đó là đối với các xã ven sông, cửa biển, đại đa số ngành nghề kinh tế đều gắn liền với nguồn lợi khai thác tại chỗ. Như vậy, ngoài những thế mạnh trên, còn phải tạo điều kiện mở rộng ngành nghề khác, để khi xảy ra thiên tai thì đời sống người dân vẫn được đảm bảo.
Bà Trương Nguyệt Ánh, 65 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Lưu Hoa Thanh, chia sẻ: “Phụ nữ trong vùng chủ yếu nội trợ và làm một số nghề bấp bênh: đóng đáy ruốc, phơi và lựa ruốc, vá lưới, vá lú... cho nên khi biển động hoặc mưa lớn kéo dài, nước dâng thì thu nhập không ổn định”.
Bà Ánh mong mỏi: “Ðể chị em được an tâm bám đất, ổn định kinh tế cùng địa phương phát triển, quan trọng hơn hết là quan tâm tạo việc làm cho họ. Ða số hộ dân đều rất mong địa phương sẽ đào tạo thêm nhiều ngành nghề, có thể là may gia công, hoặc tổ chức gia công hạt điều thành phẩm..., những ngành nghề không chịu tác động và phụ thuộc vào thời tiết”./.
Ngô Nhi