Là lực lượng quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác bảo vệ môi trường nói riêng, việc nâng cao vai trò của người phụ nữ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ giúp chị em có khả năng thích ứng nhanh hơn với tình trạng môi trường, cũng như giúp cho công tác tuyên truyền được lan toả sâu rộng hơn.
Là lực lượng quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác bảo vệ môi trường nói riêng, việc nâng cao vai trò của người phụ nữ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ giúp chị em có khả năng thích ứng nhanh hơn với tình trạng môi trường, cũng như giúp cho công tác tuyên truyền được lan toả sâu rộng hơn.
Được tập huấn để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, bà Phan Thị Lợi (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Gò Công Ðông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, bà vừa thành lập tổ hùn vốn xoay vòng để giúp nhau sửa chữa nhà cửa, ứng phó với triều cường.
Bà Lợi chia sẻ, nhà gần cửa sông Bảy Háp, mỗi năm gần giáp Tết, nước ngập nhà. Có đêm ngủ quên, giật mình thức giấc đồ đạc trong nhà trôi khắp nơi, hư hỏng rất nhiều. “Từ năm 2013 đến nay, nước lên ngày càng bất thường không thể dự đoán được nên không thể chủ động ứng phó, tài sản trong nhà hư hỏng gần như hoàn toàn”, bà Lợi cho biết thêm.
Với số tiền 20 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng của tổ phụ nữ, cộng với số tiền tích góp của gia đình, bà Lợi quyết định nâng cao nhà, chống nước dâng. “Giờ tôi mới có thể ăn ngon, ngủ yên, không còn lo nước ngập nhà. Gia đình còn mở được tiệm bán tạp hoá nho nhỏ, đời sống ngày càng ổn định”, bà Lợi cho hay.
Từ nguồn vốn xoay vòng, gia đình bà Phan Thị Lợi (Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Gò Công Ðông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) sửa lại nhà và an tâm hơn mỗi khi đến mùa nước lên. |
Mùng 1 Tết Nguyên đán 2016, triều cường dâng cao đã khiến bà Lâm Thị Hạnh (ấp Gò Công Ðông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) trở tay không kịp. Sau đợt triều cường, ngôi nhà gần như hư hỏng hoàn toàn.
Bà Hạnh cho biết, 3 giờ sáng nước dâng lên ngập tới đầu gối, đồ đạc trong nhà lớp trôi, lớp hư hỏng hết. Tát nước đến sáng mới rút hết nước, tủ, bàn, vách nhà cũng không còn gì. Thế nhưng, từ khi làm nhà cao ráo vợ chồng già đã an tâm ăn ngon, ngủ yên.
Chị Ðào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, cho biết: "Xã được chọn làm điểm triển khai dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu: trao quyền cho phụ nữ ứng phó với thiên tai”. Với những kiến thức được tập huấn, chúng tôi đẩy mạnh việc tuyên truyền trong hội viên vừa nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong phòng, chống ứng phó giảm nhẹ thiên tai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực". Theo đó, chị em đã chủ động nâng cao, sửa chữa nhà chống nước ngập. Với những gia đình chưa có điều kiện thì các chị đã có ý thức hơn trong việc kê cao vật dụng tránh hư hỏng khi nước dâng.
Trong những buổi sinh hoạt hằng tháng, hằng quý ở chi hội, những nội dung về phòng, chống rủi ro thảm hoạ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được các chị em chia sẻ, truyền tai nhau.
Bà Phạm Tuyết Nhung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi: “Bây giờ, chị em trên địa bàn đều biết những việc phải làm trước, trong và sau thiên tai. Từ việc nắm bắt, theo dõi thông tin thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng đến việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đèn dầu, nước uống… đều được chị em thuộc nằm lòng. Họ thực hành rất tốt trong các mùa mưa bão, cùng với gia đình, cộng đồng giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra”.
Bà Mai Thị Nhung, chuyên gia tư vấn về giảm nhẹ rủi ro thiên tai Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chia sẻ: Qua khảo sát của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, có hơn 65% cán bộ phụ nữ cấp tỉnh/huyện không có năng lực xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, 70% không có kỹ năng truyền tin về thiên tai, 39% không biết các biện pháp cơ bản ứng phó từng loại hình thiên tai như bão, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn… Do đó, năm 2010, Trung ương Hội LHPN Việt Nam với sự hỗ trợ của UN Women (Cơ quan của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ) thực hiện dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu: trao quyền cho phụ nữ ứng phó với thiên tai”.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Phạm Hồng Nhân phân tích, lâu nay vai trò của phụ nữ vẫn bị xem nhẹ, công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai vẫn được coi là việc của nam giới. Trong khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong đó, phụ nữ là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bởi họ đảm nhiệm vai trò chính trong việc chăm sóc gia đình, nên sau thiên tai hạn chế về thời gian để phục hồi sức khoẻ, mất cơ hội việc làm, thu nhập… Do đó, phụ nữ cần được đánh giá đầy đủ đóng góp của họ trong gia đình, cộng đồng cũng như các chính sách liên quan về vấn đề bình đẳng giới trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Bài và ảnh: Thanh Phương