(CMO) Nhiều năm qua, phụ nữ xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm. Qua đó, phát huy được tinh thần tương trợ lẫn nhau, hình thành thói quen tốt về tiết kiệm trong phụ nữ.
Từ năm 2016, Hội LHPN xã Hoà Mỹ phát động phong trào Nuôi heo đất mua heo thịt ở ấp Rau Dừa C, mô hình Tiết kiệm điện ở ấp Thị Tường được sự hưởng ứng nhiệt tình từ hội viên. Theo đó, mô hình Nuôi heo đất mua heo thịt có 65 hội viên phụ nữ tham gia bằng việc nuôi heo đất. Hàng tháng họp định kỳ khui heo đất, tiền tiết kiệm được trao lại cho chị em có hoàn cảnh khó khăn trong hội để mua heo giống thả nuôi.
Chị Võ Hoa Phượng, ấp Rau Dừa C, trước đây hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng mất sớm, để lại con nhỏ, chị phải bươn chải đủ nghề để nuôi con nhưng gia cảnh luôn thiếu trước hụt sau. Được phụ nữ xã vận động tham gia mô hình “Nuôi heo đất mua heo thịt” chị quyết định tham gia.
Sau khi được giúp đỡ vốn, chị mua heo giống về nuôi và được tập huấn các lớp về chăn nuôi heo. Nhờ siêng năng chăn nuôi, kết hợp nấu rượu, tiết kiệm trong sinh hoạt…, chị Phượng đã xây được căn nhà khang trang, cuộc sống ổn định hơn.
Chị Phượng phấn khởi: “Tôi thoát nghèo nhờ vào số tiền heo đất tiết kiệm của chị em trong hội cho mượn để làm vốn chăn nuôi, tôi thật sự rất biết ơn. Bây giờ tôi vẫn tham gia nuôi heo đất, vì tôi biết từ số tiền này sẽ giúp được nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn như tôi lúc trước”.
Cũng khấm khá lên từ mô hình này là hộ chị Trần Thị Phăng, ấp Rau Dừa C. Nhà ít đất sản xuất, chủ yếu dựa vào mảnh vườn trồng cây ăn trái vài trăm mét vuông nên cuộc sống chật vật, khó khăn. Sau khi được giúp vốn mua heo giống thả nuôi chị quyết định nuôi heo để nái. Lứa đầu tiên sau khi xuất chuồng 12 con lời gần 10 triệu đồng, mỗi năm trừ hết chi phí chị lời hơn 20 triệu đồng từ đàn heo.
Chị Phăng cho biết: “Mô hình Nuôi heo đất mua heo thịt thật sự ý nghĩa, số tiền tiết kiệm mỗi ngày tuy không quá lớn nhưng nhiều chị em chung tay góp sức tạo được nguồn vốn sử dụng thật sự hiệu quả. Tôi sẽ tiếp tục tham gia tiết kiệm để tạo nguồn vốn giúp hội viên khác”.
Hàng tháng, hội viên phụ nữ xã Hoà Mỹ đều tập hợp khui heo đất. |
Mô hình Tiết kiệm điện của phụ nữ ở ấp Thị Tường là một điển hình cho việc học tập là làm theo gương Bác ở địa phương. Thành lập năm 2016, ban đầu chỉ có 1 tổ với 10 thành viên, hiện tại đã nâng tổng số thành viên lên 32 người với 4 tổ. Hình thức tuyên truyền là giải thích cho chị em hội viên hiểu được tầm quan trọng của nguồn điện, việc tiết kiệm điện không chỉ giúp hạn chế chi phí sinh hoạt gia đình mà còn bảo vệ nguồn điện trong tương lai.
Chị Trần Ánh Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thị Tường, chia sẻ: “Khi vận động được đông đảo chị em tham gia, nói đi đôi với làm, các chị tích cực thực hành tiết kiệm, tắt bớt đèn, quạt khi ra khỏi phòng, không sử dụng điện khi không cần thiết. Từ khi áp dụng mô hình mỗi hộ tiết kiệm vài chục đến vài trăm ngàn tiền điện hàng tháng”.
Chia sẻ về thói quen sử dụng điện của gia đình mình, chị Trần Thị Vân nói mỗi ngày đều tắt bớt đèn, hạn chế bật quạt gió, thay vì nấu cơm bếp điện, chị đã chuyển hẳn sang nấu bếp củi để tận dụng củi khô tự nhiên ở địa phương, đỡ hao điện. Nhờ vậy, mỗi tháng gia đình chị tiết kiệm được từ 30-50 ngàn đồng tiền điện.
Có thể nói, việc tiết kiệm điện của phụ nữ Hoà Mỹ không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ gia đình mà còn đem lại hiệu quả đến cả cộng đồng về ý thức sử dụng nguồn điện hợp lý. Chị Trần Liễu Anh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Mỹ, tâm đắc: "Tiết kiệm không chỉ giúp hội viên phụ nữ giải quyết khó khăn, vươn lên thoát nghèo mà còn hình thành thói quen tốt trong đời sống văn hoá. Có thể nói, với những mô hình Tiết kiệm điện, Nuôi heo đất mua heo thịt là những việc làm cụ thể hoá việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.
Võ Phương Thảo