Một trong những hoạt động nổi bật của các cấp Hội Phụ nữ huyện Ðầm Dơi nhiệm kỳ qua là việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế. Hiệu quả của các mô hình đã góp phần giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những hoạt động nổi bật của các cấp hội phụ nữ huyện Ðầm Dơi nhiệm kỳ qua là việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế. Hiệu quả của các mô hình đã góp phần giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiệm kỳ qua, hội phụ nữ các cấp trong huyện Ðầm Dơi đã năng động, nhạy bén trong việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình như: triển khai mô hình vốn “500 đồng”, mô hình “9 triệu” của phụ nữ để nuôi heo, sò huyết, cua, nuôi cá, gà, kết vải, buôn bán, nhân rộng các mô hình trồng rau sạch ở thị trấn Ðầm Dơi, xã Tân Duyệt, Tân Dân; mô hình “dèo cua giống” ở Thanh Tùng…
Chị Trần Kim Huệ (bìa phải) hướng dẫn chị em trong tổ hợp tác làm rập cua. |
Nổi bật là việc xây dựng các mô hình tổ hợp tác trong sản xuất, đã thực sự tạo động lực cho hội viên nắm bắt cơ hội vươn lên. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới.
Tổ hợp tác làm rập cua Kim Thành của chị Trần Kim Huệ, hội viên phụ nữ ấp Nhà Dài, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, thành lập đã 6 năm. Lúc đầu không có vốn, mỗi ngày chỉ ráp được khoảng 50 cái, chủ yếu là bán ở địa phương, lời khoảng 100.000 đồng.
Ðến năm 2012, được hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng, cộng với vốn của gia đình, chị Huệ đầu tư mua thêm nguyên liệu, thuê thêm 23 lao động nữ ở tại địa phương, hằng ngày làm được từ 500-600 cái rập, trừ mọi chi phí còn lãi 500-600 ngàn đồng/ngày. Nhờ rập cua đảm bảo chất lượng, nên sản phẩm làm ra bán nhanh, nhiều lúc không đủ để bỏ mối cho khách hàng. Ðến nay, tổ hợp tác đã thu hút hơn 40 lao động nhàn rỗi ở địa phương tham gia làm gia công cho tổ, bình quân mỗi ngày tổ làm ra từ 700-1.200 cái.
Mô hình đan rập cua đem lại thu nhập khá ổn định cho kinh tế gia đình, mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng. Nhờ hiệu quả từ mô hình đan rập cua đem lại, từng bước gia đình thoát khỏi khó khăn và vươn lên khá giả. Không những giúp gia đình mà mô hình còn giúp 23 chị em trong tổ và các ấp lân cận có thu nhập ổn định.
Chị Trần Thị Huệ, một thành viên khác, bộc bạch: “Gia đình chỉ có tôi mần chính, ông xã với mấy đứa nhỏ phụ thêm; ông xã đi dạy phụ thêm ít, mỗi tháng thu nhập khoảng 4,5-5 triệu đồng. Công việc phù hợp với sức của mình, nhà ở gần đây, sáng đi mần, chiều về, khoẻ hơn người ta đi mần xa".
“Từ khi thành lập đến nay làm ăn ổn định, làm nhiều hơn lúc trước. Chị em làm ở đây cuộc sống gia đình, nhà cửa, con cái đều ổn hết. Bình quân mỗi người thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày”, chị Trần Kim Huệ nói.
“Từ khi thành lập tổ hợp tác đến nay, số lượng hội viên ở nơi đây ít đi làm ăn xa so những năm trước. Chị em làm ở đây vừa có điều kiện chăm sóc gia đình, vừa có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống", Chủ tịch Hội LHPN xã Quách Phẩm Bắc Ðặng Nhân Ái nhận xét.
Năm 2014, tổ hợp tác chăn nuôi heo ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, được thành lập, với 20 thành viên, đa số là nghèo và khó khăn. Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động, chị em trong tổ thành lập tổ hùn vốn xoay vòng, đến nay nguồn vốn được 30 triệu đồng, cho 15 chị mượn. Ngoài ra, tổ còn được Hội LHPN huyện Ðầm Dơi cho vay tiền từ mô hình 9 triệu đồng, có 6 chị vay để các chị có thêm vốn đầu tư, sản xuất, chăn nuôi.
Chị Thang Thị Bảy được hỗ trợ nguồn vốn từ mô hình 9 triệu đồng, đã đầu tư xây dựng chuồng trại, heo giống, xây hầm biogas để tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, góp phần bảo vệ môi trường. Bình quân mỗi năm gia đình chị xuất chuồng hơn 120 con heo giống, 3 tấn heo hơi, thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Chị Thang Thị Bảy bộc bạch: “Trước kia gia đình nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp, bị thất bát liên tục, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Từ khi vô tổ hợp tác, được hỗ trợ vốn, ngoài nuôi heo, đặt rượu, làm hầm biogas, mỗi cái một ít, đến nay gia đình đã vượt qua khó khăn, xây dựng được ngôi nhà mới, tất cả đều nhờ vào con heo".
Chị Nguyễn Thuý Khoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Trần Phán, cho biết: "Ấp Nhị Nguyệt là tổ hợp tác đầu tiên của xã, thời gian qua thấy làm ăn có hiệu quả. Từ kết quả này, thời gian tới tiếp tục thành lập thêm 2 tổ hợp tác chăn nuôi heo của ấp Tân Hoà và Bờ Ðập để giúp chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình".
Hiệu quả của phát triển kinh tế thông qua mô hình tổ hợp tác đã góp phần giúp cho 206/956 hộ phụ nữ làm chủ hộ được hội giúp đỡ thoát nghèo. Ðời sống vật chất, tinh thần của hội viên ngày càng được cải thiện.
“Tiếp tục tập trung trong nhiệm vụ phát triển kinh tế là huy động vốn nội lực trong hội viên và kết hợp chuyển giao tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và nuôi trồng để cho chị em có những kiến thức cơ bản trong phát triển kinh tế. Ðặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ tập trung phát huy các tổ hợp tác làm kinh tế mà đặc biệt là trong nuôi trồng, chăn nuôi để làm sao huy động lực lượng hội viên tham gia các hoạt động tập thể hiệu quả hơn", Chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi Ngô Thuỳ Minh nói.
Với nhiều cách làm mạnh dạn, sáng tạo, hội phụ nữ các cấp trong huyện Ðầm Dơi đã trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc của chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy tinh thần tương thân, tương ái. Các hoạt động này góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên, từng bước nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của huyện./.
Bài và ảnh: Trần Chiến