(CMO) Trong suốt chuỗi hoạt động, Hội LHPN các cấp luôn xác định Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đóng vai trò quan trọng. Là nền tảng, kim chỉ nam để mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ học tập và làm theo, góp phần nhân lên sự đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong cộng đồng.
Gắn bó với ruộng đồng nên thời gian nhàn rỗi vợ chồng bà Trần Thị Thơm (Ấp 4, xã An Xuyên, TP Cà Mau) chăn nuôi thêm gà, vịt tăng thu nhập. Ban đầu chỉ là mô hình phụ nhưng từ khi tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, mô hình phụ đã mang lại thu nhập chính với lợi nhuận trên 120 triệu đồng/năm.
Bà Thơm nói, nhà có 4 công ruộng, mỗi năm làm 2 vụ lúa, sau khi trừ chi phí cũng chỉ đủ ăn. Để lo cho 3 đứa con, vợ chồng phải chăn nuôi thêm gà vịt. Trứng gà sau khi thu hoạch được cho vào 2 máy ấp, với 150 con gà mái mỗi tháng gia đình bà cung cấp ra thị trường khoảng 500 con gà giống, thu lãi khoảng 10 triệu đồng; Hơn 400 con vịt đẻ mỗi ngày bán trứng vịt tươi khoảng 300 ngàn đồng.
Bà Trần Thị Thơm cho biết, trong quá trình gà, vịt đẻ cần dừng tiêm phòng các loại vắc-xin. Vào những ngày thời tiết thay đổi, khi giao mùa, cần bổ sung kháng sinh phòng dịch vào thức ăn hoặc nước uống. Bên cạnh đó, chỉ mua thức ăn cho gà, vịt từ các nhà sản xuất có uy tín. Bà Thơm còn đầu tư máy xắt chuối để đảm bảo cung cấp nguồn rau sạch cho gà, vịt, vừa giảm chi phí thức ăn. Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ và định kỳ tẩy trùng bằng formol hoặc vôi bột. Nguồn nước chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh, nên thay mới nước định kỳ. Khi thấy gà, vịt kém ăn, dừng ăn, phải kiểm tra và tư vấn bác sĩ thú y ngay. Bằng cách làm này, mô hình nuôi gà, vịt của gia đình bà Thơm nhiều năm nay không xảy ra dịch bệnh lớn. Con giống ra lò đến đâu được các thương lái đặt hàng bao tiêu hết ngay đến đó.
Với vai trò đồng hành cùng hội viên trong việc phát triển kinh tế, những năm qua, Hội LHPN xã An Xuyên đã hỗ trợ nhiều chị em thoát nghèo bền vững, tạo điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Chị Trần Thị Nhi, Phó chủ tịch Hội LHPN xã An Xuyên, cho biết, hội tiếp tục vận động chị em hội viên có kế hoạch phát triển kinh tế trong gia đình. Hội hỗ trợ vốn cũng như hướng dẫn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Đồng thời, vận động chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học về chăn nuôi và trồng trọt. Từ đó định hướng cho chị em phát triển kinh tế bền vững.
“Với vai trò là tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi, trong các buổi sinh hoạt chi hội cô Thơm luôn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kỹ thuật chăn nuôi cho chị em trong chi hội cùng học tập và phát triển kinh tế, giảm nghèo. Sự cần cù, tiết kiệm của cô chính là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và làm theo”, chị Trần Thị Nhi chia sẻ.
Mô hình tiết kiệm giấy làm bao thư của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn TP. Cà Mau. |
Nêu gương hội viên tại tổ, ghi tên vào sổ vàng của hội là cách làm hay đang được các cấp Hội LHPN huyện Đầm Dơi thực hiện thời gian qua. Theo thông lệ, mỗi quý khi sinh hoạt, chị em hội viên ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt sẽ bình xét và nêu gương những cá nhân, tập thể điển hình. Và trong cuộc họp tổ lần này, những phấn đấu của tập thể Tổ 4 trong phong trào phụ nữ đã được ghi nhận, bình xét nêu gương.
Để tạo việc làm trong thời gian nhàn rỗi, góp phần cải thiện đời sống, hạn chế tình trạng phụ nữ bỏ địa phương đi làm ăn xa, Tổ 4 đã thành lập được tổ đan đát với 10 thành viên và nhận đan đát theo mẫu sản phẩm của một công ty đến từ tỉnh Bình Dương.
Theo Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Sen Nguyễn Hồng Đẹp, việc thành lập tổ đan đát đã tập hợp chị em làm quen với môi trường làm việc theo tổ, nhóm. Đồng thời, với mức thu nhập từ 70-100 ngàn đồng/ngày/người đã giúp nhiều chị có nguồn thu nhập để trang trải chi phí trong gia đình.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, hội viên Tổ 4 được ghi tên vào sổ vàng của chi hội lần này. Không chỉ tích cực tham gia sinh hoạt hội, chị còn là điển hình trong việc phát triển kinh tế gia đình. Ngoài nuôi xen canh tôm, cua, cá trong vuông, chị Tuyết còn tận dụng đất trống quanh nhà trồng rau màu vừa cải thiện bữa ăn vừa tăng thêm thu nhập. Sản phẩm rau sạch rất được ưa chuộng vì an toàn, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng. Rau bán quanh năm, bình quân từ 100-150 ngàn đồng/ngày, đã giúp gia đình chị Tuyết có nguồn thu nhập ổn định và trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu được tuyên dương.
“Thông qua việc phát động nêu gương tập thể, cá nhân đã dấy lên không khí thi đua sôi nổi học tập và làm theo gương Bác trong toàn cán bộ, hội viên phụ nữ. Từ đó phát hiện, biểu dương kịp thời những tấm gương phụ nữ tiêu biểu, khơi gợi ý thức phấn đấu nêu gương của chị em trong toàn hội”, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tân Duyệt Đào Thị Linh chia sẻ.
Theo bà Dương Thu Hiền, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Hội LHPN tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Trong đó, đặc biệt tập trung thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, hội viên; Thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững; Rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”… Đặc biệt thực hiện chủ đề Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững không chỉ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của chị em mà còn phát huy giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, tinh thần tương thân, tương ái của phụ nữ./.
Các cấp hội LHPN trong tỉnh luôn duy trì và phát huy có hiệu quả các mô hình làm theo Bác như: Hơn 1 ngàn tổ nuôi heo đất có 28.873 thành viên, huy động trên 5 tỷ đồng giúp trên 3 ngàn chị; 958 tổ thực hiện mô hình Hũ gạo tình thương, huy động trên 300 ngàn kg gạo giúp trên 6 ngàn chị; 90 tổ hùn vàng, huy động được 2.737 chỉ vàng giúp 300 hội viên. Đồng thời, bằng các biện pháp, các chi hội đã giúp 736/900 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, đạt 81,1%. |
Thanh Phương