(CMO) Thời gian qua, nhờ năng động áp dụng nhiều mô hình sản xuất mà đời sống nhiều chị em phụ nữ tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời dần thay đổi, ổn định và vươn lên khá, giàu.
“Mục tiêu đẩy mạnh công tác giảm nghèo được các cấp hội quan tâm, xem đó là nhiệm vụ tiên quyết cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới. Từ những cách vận dụng sáng tạo, năng động sản xuất mà hiện nay có rất nhiều mô hình được chị em phụ nữ áp dụng thành công”, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Hải Nguyễn Thị Hồng Lý thông tin.
Tổ làm chổi dừa được thành lập từ năm 1999 với hơn 12 tổ viên tham gia hoạt động. Có được lợi thế cây dừa phát triển rộng khắp ở địa phương, chị em tận dụng tốt nguyên liệu từ loại cây này để phát triển kinh tế.
Chị Lê Thị Học, ở ấp Chủ Mía, xã Khánh Hải, chia sẻ: “Chổi dừa quét nhà rất sạch, tiện lợi nên được nhiều người dân ưa chuộng. Thời gian trước thấy thị trường chổi buôn bán được, giá cả ổn định nên chúng tôi học hỏi rồi tự mài mò làm. Cây dừa đúng thiệt không bỏ bất cứ bộ phận nào, từ trái, thân, lá, đọt. Nông dân mình hễ cái nào có thể tận dụng phát triển kinh tế thì cứ làm thôi. Ngoài thu nhập từ trái, giờ đây chị em phụ nữ chúng tôi còn biết kiếm nguồn thu khác từ lá”.
Thời gian rảnh rỗi việc đồng áng các chị lại tập trung làm chổi, nếu làm xuyên suốt thì mỗi ngày cũng cho ra thị trường 10 sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá 15 ngàn đồng. Thu nhập mỗi chị cũng từ 2-3 triệu đồng/tháng, có thêm chi phí sinh hoạt trong gia đình, trang trải cuộc sống.
Nguyên liệu được các chị chuẩn bị cẩn thận trước khi làm thành sản phẩm. |
“Lá dừa ở ngoài vườn nhiều lắm, nếu không đủ thì xin hoặc mua thêm những hộ lân cận để về làm chổi. Cây chổi không khó làm, chỉ cần chịu khó mài mò một chút thì làm được thôi. Thay vì bỏ lá dừa lãng phí thì mình gom lại làm chổi, tăng thu nhập, chổi dừa được nhiều người ưa chuộng. Tổ làm chổi vẫn còn làm theo kiểu nhỏ lẻ, hy vọng thời gian tới có hướng sản xuất lớn hơn, ổn định đầu ra để chị em tôi tiếp tục phát triển kinh tế từ mô hình này”, chị Lương Thu Hà, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Chủ Mía, xã Khánh Hải, chia sẻ.
Ngoài phát triển kinh tế từ chổi dừa, mô hình nuôi ếch thương phẩm được chị Trịnh Tuyết Dung ở ấp Chủ Mía áp dụng phần nào đưa kinh tế gia đình chị ổn định hơn. Từ năm 2011, sau khi học hỏi cách nuôi ếch từ nhiều gia đình khác ở địa phương, chị quyết định nuôi với điểm xuất phát là 10 cặp ếch giống.
Khoảng 1 năm, 10 cặp ếch bắt đầu sinh sản và hiện tại đã có trên 80 cặp ếch bố mẹ làm giống. Nuôi ếch chi phí thấp, khả năng sinh trưởng tốt, ít bệnh, đặc biệt là giá cả thị trường khá ổn định nên mô hình này bước đầu đem lại thu nhập khá cho gia đình chị. Mỗi năm gia đình chị thu hoạch 2 vụ. Cuối năm vừa rồi chị xuất bán khoảng 10 ngàn con ếch thịt, sau khi trừ các chi phí lãi hơn 30 triệu đồng.
Chị Dung phấn khởi: “Đất của gia đình không rộng nên đây là mô hình rất thích hợp để phát triển kinh tế. Sau nhiều năm tích góp được một khoản vốn, tôi dự định mua thêm đất để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi ếch"./.
Hằng My