(CMO) Đường hành lang ven biển phía Nam đi qua địa bàn huyện Thới Bình có chiều dài trên 40 km. Kể từ khi đường này được đưa vào sử dụng (năm 2015) thì hành lang an toàn đường bộ bắt đầu bị lấn chiếm và phát sinh ngày càng nhiều hơn.
Tại hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2016, Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban ATGT huyện Thới Bình Trần Văn Dũng nhấn mạnh: “Ban ATGT huyện sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo xã nào không làm tốt công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên đường đường hành lang ven biển phía Nam”. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 5/2017, qua kiểm tra của Chi cục Quản lý đường bộ IV.6 thì trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam qua 6 xã thuộc huyện Thới Bình, có ít nhất 70 trường hợp cất mái che, lều quán… lấn chiếm.
Cam kết rồi cho sử dụng là sai
Xã Hồ Thị Kỷ có chiều dài đường hành lang ven biển phía Nam qua địa bàn nhiều nhất trong 6 xã. Tháng 3/2017, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ, khẳng định: “Hiện nay, tuyến đường không còn trường hợp nào xây dựng nhà, lều quán lấn chiếm trên phần đất được bồi thường”. Tuy nhiên, qua đo đạc thực tế của Chi cục Quản lý đường bộ IV.6 thì có ít nhất 70 hộ đang cất mái che, lều quán lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, thậm chí có hộ chỉ mới cất thời gian gần đây.
Ông Huỳnh Thanh Duy, người dân ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ (cất mái che lấn chiếm 5 m trong phạm đất đền bù giải toả 15 m, tính từ tim lộ vào), bộc bạch: “Mái che này tôi mới cất đây thôi. Khi làm tôi có đến địa phương xin phép và viết cam kết sẽ tự tháo dỡ khi Nhà nước cần, được xã cho phép tôi mới cất”.
Cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ IV.6 đo đạc cụ thể vi phạm HLATĐB của hộ ông Huỳnh Thanh Duy, ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. |
Vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ Lê Văn Vĩnh thừa nhận: “Hiện nay, vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên đường hành lang ven biển phía Nam qua địa bàn xã là có, nhưng chủ yếu mái che. Xã cũng đã tổ chức họp dân buộc cam kết khi nào Nhà nước cần thì dân phải tự tháo dỡ. Bởi điều kiện mưu sinh của người dân, thói quen người mua qua đường thì chỉ thích ghé những điểm gần lộ. Còn chuyện dân cất nhà trong phạm vi 8 m thì xã khó xử lý vì đất chưa được đền bù giải toả. Tới đây, cấp trên cần có chế tài để xử lý…!”.
Theo ông Lý Thành Thái, Tuần kiểm viên Chi cục Quản lý đường bộ IV.6, trên đường hành lang ven biển phía Nam, hành lang an toàn đường bộ được thiết kế là 46 m (tính từ tim lộ vào mỗi bên 23 m), trong đó 15 m đầu là phạm vi giải phóng mặt bằng, còn lại 8 m là đất quy hoạch. Việc quy định quản lý, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ cũng rất cụ thể. Trong phạm vi 15 m đã giải toả trắng thì phải được bảo vệ tuyệt đối, nghĩa là không được xây dựng các công trình khác. Còn phần 8 m quy hoạch thì có thể giải quyết cho dân cất mái che, nhưng chỉ là hình thức tạm bợ. Thời gian qua, nhiều xã trên tuyến tự giải quyết cho dân cam kết rồi cất lều, mái che lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ là trái với thẩm quyền và quy định chung.
Cần nhất quán, xử lý đồng bộ
Hầu hết những hộ dân cất lều, mái che lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ đều ý thức việc làm của mình là vi phạm trật tự ATGT, nhưng tất cả đều viện dẫn cùng một lý do “hàng hoá bày biện sâu bên trong khó bán và nếu mình chấp hành mà người khác thì không, chuyện mua bán sẽ ế ẩm…”.
Không chỉ tự lấn chiếm mà trên tuyến này còn có trường hợp sang bán lối đi ngay trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ.
Khi được cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ IV.6 đo đạc thực tế và thông báo mái che mình lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, anh Ngô Tấn Tài (Ấp 7, xã Thới Bình), thảng thốt: “Khi Nhà nước mở lộ, đất tôi nằm phía trong (cách hành lang an toàn đường bộ khoảng 20 m), do nhu cầu đi lại, mua bán nên vợ chồng tôi mới sang phần đất này (giá 8 triệu đồng). Tôi đâu biết đất này nằm trong hành lang an toàn đường bộ?”.
Trước tình trạng phức tạp về lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ ở thời điểm hiện tại, ông Trần Văn Dũng khẳng định: “Sẽ xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo xã nào không làm tốt công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên đường hành lang ven biển phía Nam, Quốc lộ 63, vỉa hè các tuyến đường trung tâm... Trước mắt, trong tháng cao điểm tuyên truyền, thực thi pháp luật về hành lang an toàn đường bộ này, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức kiểm tra thực trạng lấn chiếm và vận động người dân tự tháo dỡ mái che, bảng hiệu vi phạm. Qua tổng hợp các báo cáo của địa phương, huyện sẽ tổ chức tuyên truyền bằng xe cổ động và nhiều hình thức trực quan. Tiếp theo, Ban ATGT huyện sẽ ra quân kiểm tra, xử lý và bàn giao địa bàn “sạch” cho địa phương quản lý”.
Ông Lý Thành Thái cho rằng: “Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, các địa phương cần phải nhất quán theo quy định và phải ra quân thực hiện đồng loạt, khi tất cả hàng quán đều nằm trong phạm vi quy định thì người mua có nhu cầu sẽ phải tìm vào. Hy vọng sau tháng cao điểm tuyên truyền, trật tự hành lang an toàn đường bộ trên đường hành lang ven biển phía Nam sẽ chuyển biến tốt hơn"./.
Mã Phi
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau, cho biết: Hiện nay, tình trạng lấn chiếm, tái chiếm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, mà giải quyết vấn đề này thì tốn kém nhiều công sức, tiền của và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Trong khi cái cũ chưa giải quyết xong thì cần ngăn chặn phát sinh cái mới mà đường hành lang ven biển phía Nam đưa vào sử dụng chỉ vài năm nay, vi phạm hành lang an toàn đường bộ mới phát sinh nên cần thiết phải được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. |