ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 18:27:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phượng đỏ trong miền ký ức

Báo Cà Mau Tháng 5, trời bắt đầu khoác sắc áo của mùa hè. Nắng vàng đổ lửa, rọi qua từng con phố, từng mái hiên, từng vạt đồng mênh mang gió thổi. Ấy là lúc những chùm hoa phượng bắt đầu rực đỏ, reo vui trong tiếng ve râm ran trên từng cành lá. Hoa phượng - loài hoa học trò, loài hoa đánh thức bao miền ký ức, đã về như lời hẹn cũ của thời gian, gợi mở bao điều thân thương trong lòng người.

Tôi lớn lên ở xóm nhỏ ven sông, nơi mỗi mùa hè về, cây phượng già trước cổng trường là nhân vật trung tâm của cả bầu trời tuổi thơ. Phượng không chỉ che mát sân trường mà còn là chứng nhân thầm lặng cho bao nụ cười, ánh mắt và cả những giọt nước mắt của tuổi học trò hồn nhiên, trong trẻo. Có điều kỳ lạ là dù thời gian trôi, nhưng mùa hoa năm ấy cứ hằn sâu trong ký ức, như thể không gì có thể xoá nhoà.

Minh hoạ: Kiều Loan

Minh hoạ: Kiều Loan

Tôi còn nhớ rõ cảm giác nôn nao mỗi khi mùa phượng sắp sửa ghé đến, khi những nụ đầu tiên chớm nở, lòng đã rộn ràng như chờ điều kỳ diệu. Cả đám trẻ chúng tôi ngày đó, cứ tan học là tụm năm tụm bảy dưới gốc phượng, nhặt những cánh hoa đỏ rơi, xếp thành hình ngôi sao, bông mai hay ép vào trang vở cho phẳng phiu mang về. Cái màu đỏ ấy - rực rỡ mà không chói loà, dịu dàng mà da diết - như thấm vào lòng người, trở thành màu của tuổi thơ, của những rung động đầu đời chưa kịp gọi tên.

Ngày xưa, tôi từng nghe ngoại bảo, phượng là loài cây nhớ thương. Không như hoa mai, hoa đào nở vào mùa xuân, phượng chọn mùa hè để bung nở, như thể muốn níu kéo ánh mắt chia xa của lũ học trò cuối cấp. Có lẽ vì thế mà phượng luôn gắn với chia ly - không ồn ào, nhưng thổn thức. Dưới tán phượng năm xưa, tôi từng nghẹn lời trong buổi chia tay cuối cấp, khi người bạn cùng bàn lặng lẽ trao cho tôi một cánh phượng đỏ, rồi bước đi không ngoái lại. Hoá ra, có những tình cảm chỉ đủ đầy khi được gói gọn trong lặng im.

Lớn lên, đi xa, mỗi khi nhắc đến quê nhà, trong lòng tôi lại hiện lên hình ảnh quen thuộc: con sông hiền hoà chảy qua những hàng dừa nước, giọng nói ngọt như mía lùi của người quê và không thể thiếu sắc đỏ chói chang của hoa phượng. Có lần, trong chuyến trở về sau nhiều năm xa quê, tôi bắt gặp cây phượng trước cổng trường đã già hơn, rễ trồi lên mặt đất, cành lá xơ xác bởi thời gian. Nhưng khi mùa hè đến, nó vẫn bừng đỏ rực như những ngày xưa cũ. Tôi chợt thấy lòng mình rung lên cảm xúc khó gọi tên - như thể quá khứ chưa bao giờ thực sự rời bỏ ta, chỉ là nó đang nằm yên trong một góc ký ức, chờ được đánh thức.

Phượng nơi quê tôi có nét gì đó rất riêng. Không chỉ rực rỡ bởi sắc màu, mà còn vì nó mọc lên trên vùng đất tận cùng phương Nam - nơi trời rộng, đất rộng và lòng người cũng rộng. Có những cây mọc bên bờ kênh nhỏ, soi bóng xuống dòng nước đục phù sa, bên cạnh là tiếng máy nổ rền vang và con thuyền lướt nhẹ. Có những cây nằm lặng lẽ nơi sân trường làng, mỗi mùa hè đến lại gọi về tiếng cười trong trẻo, tiếng ve ran như đồng vọng từ thời gian. Ở nơi ấy, hoa phượng không chỉ là loài cây, mà còn là biểu tượng của ký ức, của hoài niệm và của tình quê không dễ gọi thành lời.

Người ta thường nói, càng lớn lên, ta càng hiểu rõ rằng những điều tưởng chừng nhỏ bé lại là điều khiến trái tim day dứt nhất. Như phượng - loài hoa chẳng sang trọng, chẳng cầu kỳ, nhưng lại gắn bó sâu đậm với biết bao thế hệ. Phượng không có mùi hương nồng nàn như hoa sữa, chẳng e ấp như hoa mai, cũng không kiêu sa như hoa hồng, nhưng mang trong mình sự bền bỉ, ký ức mãnh liệt và sức sống vươn lên giữa cái nắng chói chang của miền đất phương Nam.

Thời gian trôi, con người đổi thay, nhưng có những điều vẫn ở đó, như phượng mùa hè. Dù bạn là ai, sống ở đâu, bao lâu không trở lại quê nhà, mỗi khi thấy hoa nở, trái tim vẫn sẽ thổn thức. Bởi ký ức không cần được gọi tên, chỉ cần một dấu hiệu - như màu hoa ấy - là đủ khiến cả bầu trời tuổi thơ ùa về.

Tôi ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế đá cũ nơi sân trường năm xưa, nhìn những cánh hoa rơi nhẹ trong gió. Gió tháng 5 vẫn còn mơn man mùi phù sa từ bờ sông sau trường vọng lại. Cánh hoa đỏ nằm im lìm trên trang vở cũ, như minh chứng cho những gì đã qua, cho một phần đời mình từng sống. Tôi chợt nhận ra, hoá ra những điều khiến ta nhớ mãi, không phải là những điều rực rỡ nhất, mà là những điều tưởng như vụn vặt nhưng gắn với ta bằng sợi dây cảm xúc không thể ngắt lìa.

Mảnh đất cuối trời ấy không chỉ có rừng đước, biển bạc, mà còn có mùa hoa gọi hè trong trẻo và đầy cảm xúc: hoa phượng. Mỗi lần hoa nở, dẫu ở bất cứ nơi nào, tôi lại thấy lòng mình như trở về khúc quê xa và tôi tin, không chỉ riêng tôi, mà với bất kỳ ai từng có một thời gắn bó với đất và người nơi đây, phượng đỏ luôn là một phần ký ức thiêng liêng, sâu sắc và không bao giờ phai nhạt./.

 

Ðức Anh

 

Buổi đầu làm báo ảnh

Báo ảnh Ðất Mũi trải qua nhiều thời kỳ, nhờ công lao của rất nhiều người. Nhắc chuyện làm báo ảnh thời gian khó không chỉ để thế hệ làm báo trẻ sau này hiểu, mà còn nhằm trân trọng ghi ơn lớp cha chú đi trước đã từng dốc sức đóng góp cho Báo ảnh Ðất Mũi hình thành, phát triển, trở thành dấu ấn đẹp của báo chí địa phương.

Cơn gió thổi mát hồn người

Chương trình Nghệ thuật Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 -21/06/2025) do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức, diễn ra vào tối 19/6 tại Công viên Văn hóa Hùng Vương đã trở thành một dấu ấn đẹp đối với người làm báo tỉnh nhà lẫn công chúng.

Những người làm báo “đặc biệt”

Phóng viên mảng văn hoá nghệ thuật (VHNT), MC dẫn các chương trình truyền hình, phát thanh... được xem là những người làm báo “đặc biệt”, vì nội dung và lĩnh vực phụ trách khá đặc thù, cũng như có cách tác nghiệp riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Sẽ viết tiếp những câu chuyện hoà bình

Ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hoà bình" của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đạt tổng 3,1 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube Short, Facebook, Instagram; lan toả đến cộng đồng, xã hội nhiều thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước.

Sân chơi bổ ích cho người cao tuổi

Ðược thành lập năm 2010, trong 15 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dưỡng sinh người cao tuổi (NCT) huyện U Minh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, du lịch; là điểm tựa vững chắc chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên NCT, góp phần tạo sân chơi bổ ích tăng cường sức khoẻ cho NCT trên địa bàn huyện.

“Hạt giống” của văn hoá cộng đồng

Không cần phải đứng trên những sân khấu lớn, văn nghệ quần chúng đang âm thầm thắp lên những ngọn lửa nhỏ, giữ ấm đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Ðó là nơi mọi người được sống thật với cảm xúc, được thể hiện tài năng và quan trọng hơn, đó là nơi kết nối những người có chung niềm đam mê văn nghệ.

Truyền cảm hứng qua ảnh

Tác giả Vũ Thanh Nam, sinh năm 1972, tốt nghiệp Trường Ðại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Khoa Hội hoạ, giảng dạy Mỹ thuật tại Trường THCS Hải Long từ năm 1993 đến nay, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Ðịnh, bộ môn Nhiếp ảnh.

Trang nghiêm lễ giỗ Đình thần Tân Nghĩa

Đình thần Tân Nghĩa được xây dựng vào năm 1852, nằm bên ngã ba sông Ô Rô – Bạch Ngưu, nay là Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau.

Về xứ “Khánh”, “Tân”...

Cà Mau là vùng đất trẻ ven biển ở cực Nam, nằm trên Bán đảo Cà Mau, mới được khai phá khoảng hơn 3 thế kỷ. Trải qua quá trình lịch sử đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, điều thú vị là Cà Mau có nhiều địa danh hành chính mang tên gọi với chữ “Khánh”, “Tân”, như: Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Thuận, Khánh Hoà, Khánh An (huyện U Minh); Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời); Tân Lộc, Tân Phú (huyện Thới Bình); Tân Xuyên, Tân Thành (TP Cà Mau); Tân Trung, Tân Ðức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân, Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi); Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển). Những địa danh này gắn liền với lịch sử, văn hoá của cả vùng đất và nay đang ngày càng phát triển đi lên đổi mới và giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo.

Sống chậm, nhẫn hơn cùng nhiếp ảnh

Tay máy nữ Bảo Huy tên thật là Lê Thị Thu Thuỷ, sinh năm 1973, quê tỉnh Quảng Nam, hiện sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh nghệ thuật Sông Hàn (Ðà Nẵng).