Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trên 240 bến phà khách ngang sông (BPKNS), trong đó có trên 80 bến hoạt động không có giấy phép, thường là hoạt động ở các tuyến sông nhỏ, kinh, rạch… chưa bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động BPKNS cũng chưa có sự đồng nhất giữa các đơn vị liên quan.
Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trên 240 bến phà khách ngang sông (BPKNS), trong đó có trên 80 bến hoạt động không có giấy phép, thường là hoạt động ở các tuyến sông nhỏ, kinh, rạch… chưa bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động BPKNS cũng chưa có sự đồng nhất giữa các đơn vị liên quan.
Đơn cử như bến phà Cây Dương trên tuyến kinh Cái Nháp, thuộc địa phận xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn) và xã Quách Phẩm (huyện Ðầm Dơi). Ðây là bến phà tự phát và hoạt động hơn 10 năm qua, ngần ấy thời gian hoạt động, bến phà này từng xảy ra những mâu thuẫn tranh chấp lợi nhuận, do nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng. Năm 2010, Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT-HT) cho đăng ký kinh doanh khai thác bến và tiến hành xây dựng đường dẫn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Ðến tháng 4/2014, Phòng KT-HT tổ chức đấu thầu công khai và bà Nguyễn Thị Thơ, người dân Cái Keo (xã Quách Phẩm) đã trúng thầu với mức giá trên 1,4 tỷ đồng/năm.
Phương tiện hoạt động tại bến phà Cây Dương chưa bảo đảm ATGT. |
Thời điểm bà Thơ trúng thầu, nhiều người tỏ ra lo ngại. Bởi, nhiều bến phà ở các tuyến sông chính, phương tiện lưu thông đông đúc, mỗi ngày ước tính thu nhập trên 20 triệu đồng, nhưng mỗi năm các bến này cũng chỉ nộp cho quản lý bến khoảng trên 1 tỷ đồng. Trong khi đó, bến phà Cây Dương nằm trên tuyến mật độ phương tiện lưu thông ít.
Bà Thơ cho biết, những dịp lễ, Tết, lượng phương tiện qua lại dù có đông lắm thì thu nhập cũng không quá 4 triệu đồng/ngày, ngày thường bình quân thu dưới 2,5 triệu đồng, trong khi mỗi ngày tiền thuê lái phà là 300.000 đồng. Chính vì vậy, để được tiếp tục duy trì hợp đồng, năm vừa rồi bà phải vay mượn nợ để có tiền thanh toán hợp đồng.
Từ việc chưa đảm bảo vấn đề thu nhập, phà hoạt động tại bến Cây Dương cũng chưa bảo đảm ATGT theo quy định. Thậm chí có lúc phương tiện tăng đột xuất, phà chở quá tải.
Theo giấy phép hoạt động bến phà Cây Dương do Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Cà Mau cấp cho Phòng KT-HT huyện Ðầm Dơi vào tháng 10/2014, phương tiện hoạt động tại bến có biển số đăng ký là CM-12300, khả năng vận chuyển 20 người và 1 tấn hàng hoá/lượt. Tuy nhiên, thực tế thì phà hoạt động tại bến không đúng với tải trọng được cấp phép. Ðầu tháng 4/2015, Ðội Thanh tra số 8 (Thanh tra GTVT tỉnh Cà Mau) kiểm tra phát hiện bến phà Cây Dương đưa phương tiện khác vào hoạt động thay thế (lý do phà CM-12300 đang sửa chữa), nhưng phương tiện này lại không có giấy đăng ký và cũng không bảo đảm ATGT.
Ông Lê Hoàng Thọ, Trưởng Phòng KT-HT huyện Ðầm Dơi, cho biết: Quy định đấu thầu khai thác bến Cây Dương, hoạt động tại bến phải có 2 phà (mỗi phà đạt tải trọng 2 tấn), đảm bảo đưa rước khách, xe gắn máy, xe ô-tô. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, đường sá chưa lưu thông, chưa có xe ô-tô qua lại mà buộc người thuê bến phải thực hiện đúng điều kiện khai thác thì tốn kém quá. Bởi vậy, phòng chấp nhận phương tiện nhỏ như hiện nay, nhưng yêu cầu trong quá trình hoạt động thì người thuê bến phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Cụ thể như phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm, tải trọng bao nhiêu thì chở bấy nhiêu và tự chịu trách nhiệm nếu vi phạm. Còn về mức giá hợp đồng đã được tổ chức đấu thầu công khai, không thể giảm bớt được, nếu bà Thơ thấy rằng không đủ khả năng thực hiện tiếp, xin huỷ hợp đồng thì phòng sẽ tổ chức đấu thầu lại.
Theo ông Cao Việt Bắc, Chánh Thanh tra GTVT tỉnh Cà Mau, nhìn chung, sau hơn 1 năm hoạt động, phà đưa rước khách ở bến Cây Dương vẫn là những loại phà nhỏ, nhiều lần được lực lượng thanh tra kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt hành chính, nhưng chủ bến phà Cây Dương vẫn chưa thực hiện đầy đủ điều kiện hoạt động theo quy định vào khai thác bến khách ngang sông. Vì vậy, trong tháng 5, Thanh tra Sở đã có báo cáo, kiến nghị Sở GTVT đình chỉ các phương tiện đang hoạt động tại bến phà Cây Dương do không bảo đảm ATGT.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại bến phà Cây Dương vẫn tồn tại phà đưa rước chỉ đủ sức chở khoảng 12 người và 6 xe gắn máy/lần. Thế nhưng, Phòng KT-HT huyện Ðầm Dơi vẫn tiếp tục ký hợp đồng với bà Thơ./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha