ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 02:58:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Quản lý điểm thu mua phế liệu có vượt tầm kiểm soát?

Báo Cà Mau (CMO) Thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh Cà Mau có trên 30 điểm thu mua phế liệu nằm đan xen trong khu dân cư. Đa số các điểm này hoạt động tự phát, cơ sở tạm bợ và phế liệu chất đống trong điều kiện chật chội… đặt ra nhiều lo ngại cho đời sống xã hội.

Công bằng mà nói, thu mua phế liệu góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên và là loại hình kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, kinh doanh, sản xuất phải tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về điều kiện kinh doanh như: Giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ... Nhưng thực tế, phần đông các điểm thu mua phế liệu vẫn phớt lờ, trong khi công tác quản lý về loại hình kinh doanh này còn nhiều bất cập.

Nhiều nỗi lo...

Phế liệu là hỗn tạp các vật dụng từ dân sinh đến công nghiệp không còn sử dụng được thu mua, gom về tập kết một chỗ nên môi trường khó đảm bảo trong sạch. “Ngày nắng thì rác bụi ở điểm thu mua phế liệu bay tứ tung vào nhà nên phải quét liên tục. Còn ngày mưa thì mùi hôi, ẩm mốc bốc ra từ các điểm này rất khó chịu”, anh Nguyễn Hoàng T, người dân sinh sống gần điểm thu mua phế liệu ở Phường 6, TP. Cà Mau, bộc bạch.

Phần đông các điểm thu mua phế liệu nằm dọc theo các tuyến đường trung tâm có lưu lượng phương tiện qua lại thường xuyên và đông đúc. Hàng ngày, các điểm này có nhiều phương tiện ra vào bán phế liệu, nhất là những lúc xe tải đến vận chuyển phế liệu, phế liệu được tập trung đưa lên xe… ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông. Điểm đáng lo ngại là hệ thống điện sinh hoạt ở các điểm thu mua phế liệu chưa đảm bảo kỹ thuật, người kinh doanh thì ai bán gì mua nấy mà không nhận thức đó có thể là vật liệu nổ, lại càng không có kiến thức trong việc xử lý, sử dụng những vật liệu này.

“Nguy hiểm nhất là khi tất cả phế liệu được tập hợp đưa vào ép thành khối vuông để vận chuyển đi nơi khác, trong đó có nhiều loại phế liệu ẩn chứa nguy cơ nổ và sẽ gây cháy, trong khi phế liệu rất dễ bắt lửa, nên nếu sự cố xảy ra thiệt hại rất khó lường”, Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh Cà Mau, lo ngại.

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tùng, hiện nay có quá nhiều điểm thu mua phế liệu hoạt động tự phát, không tuân thủ điều kiện an toàn, nhưng nơi cấp phép kinh doanh cứ dựa theo thủ tục giấy tờ mà không kiểm tra địa điểm và liên hệ đánh giá các tác động của loại hình kinh doanh. Trong khi việc phối hợp kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh các điểm này, các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Điểm thu mua phế liệu trên đường Nguyễn Công Trứ (Phường 8, TP Cà Mau).

Bằng cảm quan có thể cảm nhận được mùi hôi, nhưng muốn xử phạt phải có thiết bị đo lường mức độ có vượt khung quy định cho phép hay không. Đa số điểm thu mua phế liệu chủ quan và lơ là công tác PCCC, nhưng theo quy định của Luật PCCC, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có khối tích (tổng diện tích xây dựng) từ 5 ngàn mét khối trở lên mới thuộc dạng phải được thẩm duyệt phương án PCCC, trong khi hầu hết các điểm thu mua phế liệu diện tích rất hẹp. Vì vậy, việc kiểm tra cũng chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền, vận động…

Trung tá Bùi Vũ Khắc, Đội trưởng đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Cà Mau, nhận định: “Điểm thu mua phế liệu liên quan đến nhiều vấn đề xã hội, nhưng người kinh doanh lại không theo một tiêu chuẩn nào và thu mua tất cả, trong đó có những vỏ đạn, bom mìn cũ…”.

Tập trung quản lý chặt chẽ hơn

Hoạt động phức tạp ở các điểm thu mua phế liệu tự phát ai cũng nhìn thấy, thiết nghĩ thành phố có đủ nhân lực và điều kiện để bắt buộc, thậm chí cưỡng chế di dời các điểm này ra khu vực ngoại ô. Thế nhưng, nhiều năm qua các điểm này vẫn còn tồn tại trong các khu dân cư?

“Có thể thấy, thu mua ve chai cũng là điều kiện mưu sinh, góp phần thay đổi đời sống kinh tế của nhiều người. Nếu di dời thì hàng chục điểm như thế sẽ tập trung ở đâu, nơi nào mới đảm bảo điều kiện kinh doanh như quy định? Mặt khác, hiện chưa có quy chuẩn chung để quản lý hoạt động nên việc xử lý các điểm thu mua phế liệu, thành phố vẫn còn băn khoăn”, Phó chủ tịch UBND TP. Cà Mau Lý Khánh Ly cho biết.

Tuy nhiên, thành phố tiếp tục chỉnh trang nâng cấp đô thị, từng bước hạn chế sự gia tăng của các điểm thu mua phế liệu tự phát. Đã qua, thành phố tăng cường quản lý kinh doanh loại hình này và chỉ đạo cơ quan chuyên môn không cấp phép mới, hoặc tái cấp phép cho điểm thu mua phế liệu không đảm bảo điều kiện an toàn môi trường, trật tự đô thị cũng như công tác PCCC. Đồng thời, tính toán quy hoạch xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp.

“Dự kiến khu tiểu thủ công nghiệp được xây dựng ở xã Hoà Trung và sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng vào năm 2025. Khi đó, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và kêu gọi các chủ kinh doanh giết mổ, thu mua phế liệu, vật liệu xây dựng… tập trung vào đây. Như thế, công tác quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh sẽ chặt chẽ hơn, vấn đề môi trường, an ninh, PCCC cũng được đảm bảo”, ông Lý Khánh Ly thông tin.

Quy hoạch đã có, nhưng trước mắt các điểm thu mua phế liệu vẫn là nỗi lo thường nhật bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây bất an trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống cháy nổ, cũng như vận động người dân, hộ kinh doanh không vì lợi nhuận mà bất chấp nguy hiểm, mua bán, tiêu thụ các loại phế liệu có thể gây nổ./.

Mỹ Pha

Ðồng tâm hiệp lực phòng, chống sạt lở

Khi nào Cà Mau khắc phục được tình trạng sạt lở ven biển, ven sông? Ðây là câu hỏi hiện nay gần như chưa ai có câu trả lời chính xác. Bởi tình trạng sạt lở luôn diễn biến khó lường, trong khi hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn thiện, nguồn lực lại đang khó khăn...

Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai

Vừa qua, trưởng các khu vực đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn được phân công phụ trách trong toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, đánh giá, công tác tổng kết PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

An toàn của người dân là trên hết

Ðể kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thích nghi với triều cường biến động, xã Khánh Hội, huyện U Minh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là ngư dân trong việc chủ động phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.