(CMO) “Đối với khai thác IUU, phải có giải pháp quản lý một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh trong buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình sản xuất, quản lý hoạt động thuỷ sản, phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, chiều ngày 6/5. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc. |
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 206.500 tấn, đạt 32,8% so với kế hoạch, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác 77.000 tấn, đạt 33,5% so kế hoạch; sản lượng nuôi trồng 129.500 tấn.
Đặc biệt, theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, đáng phấn khởi nhất là kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng cao khi từ đầu năm đến nay đạt 393 triệu USD, tăng hơn 60,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, diện tích nuôi tôm quảng canh kết hợp đạt 105.800 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 165.800 ha, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh 7.400 ha.
Riêng đối với công tác chống khai thác IUU, hiện nay tỉnh ban hành hơn 3.444 hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản. Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/5/2022, đã có 3.010 tàu cá được đăng kiểm và 100% tàu cá đánh dấu theo quy định.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.529/1.529 tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 100%. Việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS mang lại hiệu quả. Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/5/2022, chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập danh sách, theo dõi phát thông báo 8.640 lượt tàu cá có tín hiệu bị mất tín hiệu kết nối ngoài khơi. Thông qua theo dõi 24/24 trên hệ thống giám sát tàu cá, kịp thời phát hiện, xác minh, kêu gọi 235 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển quay trở về vùng biển Việt Nam.
Từ năm 2021 đến ngày 1/5/2022, tỉnh Cà Mau có 10 tàu/54 thuyền viên khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài (năm 2021 có 8 tàu/42 thuyền).
100% tàu cá thuộc diện bắt buộc đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. |
Liên quan đến công tác ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phân tích thêm một số khó khăn. Cụ thể và tiêu biểu nhất là công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn thấp so với các vụ vi phạm. Tình trạng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS mất kết nối không rõ nguyên nhân thường xuyên xảy ra và có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn trong công tác quản lý và ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và việc xử lý tình trạng này còn rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý.
Trước những khó khăn mà tỉnh Cà Mau đang gặp phải trong nỗ lực chống khai thác IUU, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, cán bộ quản lý phải nắm thật vững các quy định pháp luật để phổ biến và triển khai rộng rãi, đưa các quy định liên quan đến lĩnh vực thuỷ sản đi vào cuộc sống. Riêng đối với khai thác IUU, phải có giải pháp quản lý một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trước tiên là cảng cá phải được quản lý thật tốt, khi quản lý được cảng cá thì mới có thể quản lý được tàu và khi quản lý được tàu thì mới có thể quản lý được sản phẩm khai thác. “Quản lý tốt lĩnh vực thuỷ sản, nhất là nghề khai thác, không phải để đối phó với thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu, mà cái chính là giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ con cháu mai sau. Tăng cường công tác tuyên truyền để chuyển đổi ngành nghề, nhất là các nghề xâm hại nguồn lợi thuỷ sản”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Hiện nay có khoảng 42% sản lượng hải sản khai thác được chứng nhận tại các cảng. |
Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, Thứ trướng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, tỉnh Cà Mau còn tiềm năng rất lớn, do đó phải chủ động xây dựng những chuỗi chăn nuôi hiện đại, an toàn sinh học và để cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng và đa dạng cho các lĩnh vực khác, trong đó đặc biệt là du lịch.
Nguyễn Phú