(CMO) Ngày 2/8, tại buổi giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Sở, trong đó có phản ánh nhiều bất cập về quản lý quỹ đất công, bà Lê Thị Nhung, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, lưu ý: “Sở phải chỉ rõ, phân tích đầy đủ thực trạng, hạn chế, đề ra giải pháp, lộ trình thực hiện trong quản lý, sử dụng đất công, không để lãng phí tài nguyên đất đai của địa phương”.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Lê Thị Nhung lưu ý, Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích đầy đủ thực trạng, đề ra giải pháp, lộ trình tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế trong quản lý, sử dụng đất công. |
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, báo cáo, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đơn vị chưa phát hiện vi phạm, không tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo về tham nhũng. Tuy nhiên, trong việc thực hiện các nội dung liên quan, đơn vị gặp một số khó khăn. Trong đó, khó nhất là việc chuyển đổi vị trí công chức, viên chức vì chế độ đãi ngộ, khả năng tiếp cận công việc. Công tác cải cách hành chính một số phòng, đơn vị trực thuộc chưa quan tâm đúng mức, chưa đi vào chiều sâu, chưa có nhiều giải pháp thiết thực để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong việc quản lý đất công, ông Lên cho biết: “Hiện tại còn nhiều bất cập về quản lý quỹ đất công, đặc biệt là cấp xã. Trong đó, có việc sử dụng đất công chưa đúng mục đích (cho thuê, cho mượn), đất công bị lấn chiếm, tranh chấp. Số liệu rà soát, kiểm kê cho thấy, quỹ đất công do UBND cấp xã quản lý là hơn 8 triệu m2 (số liệu đến cuối 2018); diện tích đất công do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý đến tháng 11/2019 là gần 1,8 triệu m2. Trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung kiểm tra để kiến nghị, tham mưu, đề ra giải pháp để xử lý tình trạng này”.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Quản lý, sử dụng quỹ đất công, nhất là đất công do cấp UBND xã quản lý, còn nhiều bất cập”. |
Sở kiến nghị, HĐND tỉnh cần tăng cường giám sát chặt hơn vấn đề quản lý quỹ đất công, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, còn nhiều nội dung mà báo cáo của Sở chưa thể hiện rõ trong việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đây là cuộc giám sát chuyên đề, không chỉ liệt kê đầu công việc mà cần phải có số liệu chứng minh, có phân tích chuyên sâu, thể hiện đầy đủ vấn đề.
Quản lý đất công cũng là vấn đề quan tâm của các thành viên đoàn giám sát. Theo đó, đoàn giám sát yêu cầu Sở có thông tin, giải trình cụ thể, chi tiết hơn về tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công của tỉnh, nhất là thực trạng quản lý quỹ đất công của cấp UBND xã. Đặc biệt là tình trạng cho thuê, cho mượn không đúng quy định, đất bỏ hoang chưa có kế hoạch sử dụng. Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp quỹ đất công, không chỉ lãng phí tài nguyên đất đai, mà còn là uy tín, hình ảnh, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh, cho rằng, công tác chuyển đổi vị trí công tác, là hình thức để hạn chế vi phạm về tham nhũng, tuy nhiên, nếu cán bộ không được đào tạo cơ bản, không đủ bản lĩnh, thì vị trí nào cũng có thể xảy ra vi phạm, tiêu cực. Cho nên cái gốc vấn đề vẫn là công tác cán bộ, cán bộ có tốt thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ, các hành vi nhũng nhiễu, sai phạm mới được ngăn chặn từ đầu.
Một vấn đề nữa được Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Phụng lưu ý: “Nhiều năm qua, công tác kiểm tra nội bộ về tham nhũng, lãng phí của các đơn vị còn nhiều bất cập. Các sai phạm tham nhũng hầu hết đều được phát hiện thông qua những kênh khác. Do đó, kiểm tra, thanh tra nội bộ cần phải có cách làm sâu sát hơn, thiết thực hơn, trách nhiệm hơn”.
Vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả một số tài nguyên quan trọng như nước cũng được các thành viên đoàn giám sát quan tâm (Trong ảnh: Hệ thống máy lọc thông minh phục vụ nước uống sạch cho học sinh trên địa bàn xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời). |
Bà Dương Thu Hiền, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho rằng, lĩnh vực môi trường là vấn đề đang được xã hội quan tâm lớn, nhưng chưa được đơn vị đề cập. Ngoài tài nguyên đất, thì tài nguyên nước và một số tài nguyên quan trọng khác cũng chưa được thông tin đầy đủ về thực trạng, vướng mắc. Đây là những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở gắn với việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà đơn vị cần lưu tâm để bổ sung vào báo cáo kèm các đề xuất, kiến nghị.
Phát biểu cuối buổi làm việc, bà Lê Thị Nhung, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, cho rằng: “Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến những lĩnh vực, tài nguyên, tài sản hệ trọng của địa phương, thiết thân với người dân. Do đó, phải hết sức chú ý đến việc thực hiện nghiêm, chặt về pháp luật phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đơn vị cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo, nhất là ở những mảng còn thiếu, chưa rõ được các thành viên đoàn giám sát chỉ ra. Sau khi Sở có báo cáo đầy đủ hơn, đoàn giám sát sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu, đề xuất, kiến nghị, tìm giải pháp tháo gỡ những tồn tại liên quan đến phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị về thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”./.
Quốc Rin