(CMO) “Vườn Quốc gia U Minh Hạ có những đặc thù riêng trong nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách. Việc triển khai thực hiện các quy định về quy chế dân chủ cơ sở cần phù hợp, sâu sát với thực tiễn hoạt động của đơn vị, làm sao để khơi dậy sức mạnh đoàn kết, dân chủ, cùng chung sức cho nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái rừng tràm quý giá của tỉnh nhà”, đồng chí Nguyễn Minh Luân, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Cà Mau, lưu ý sau khi kiểm tra kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022 tại đơn vị, chiều ngày 18/10.
Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Cà Mau, Trưởng đoàn kiểm tra, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ hiện đang quản lý trên 8.500 ha rừng và đất lâm nghiệp nằm trên địa giới hành chính địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nhiệm vụ chính trị của đơn vị là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; bảo tồn và tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn.
Thời gian qua, Vườn Quốc gia U Minh Hạ quan tâm, thực hiện đúng trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan; các chế độ, chính sách đối với viên chức và người lao động được thực hiện khá tốt, khách quan, công bằng; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người; giải quyết kịp thời các khiếu nại và thực hiện việc công khai kết quả giải quyết theo quy định của pháp luật.
Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị đều thể hiện tính tiên phong gương mẫu thực hiện phát huy quyền làm chủ của viên chức và người lao động. Tổ chức triển khai, quán triệt đầy đủ Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Nghị định của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho viên chức và người lao động cùng thực hiện.
Đơn vị quan tâm kết hợp triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến nội dung, phương pháp lề lối làm việc, giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của viên chức và người lao động. Xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đồng thời tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ nội dung quy chế đến tất cả viên chức và người lao động để triển khai thực hiện. Những nội dung viên chức và người lao động được biết, được bàn và tham gia ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định được triển khai thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ; đồng thời thông qua đó, viên chức và người lao động đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các nội quy, quy chế của cơ quan cũng như nghĩa vụ đối với Nhà nước, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trong quan hệ giải quyết công việc với công dân, các tổ chức, hầu hết cán bộ, đảng viên, viên chức đều thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, có mối quan hệ tốt với công dân, giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền. Những việc đã có thời hạn giải quyết hoặc đến hạn giải quyết theo quy định nhưng cần có thời gian nghiên cứu để giải quyết triệt để đều được viên chức thông báo đến công dân, tổ chức biết nên đã hạn chế rất nhiều tình trạng mệnh lệnh, quan liêu, hách dịch, cửa quyền gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được cơ quan, đơn vị giải quyết kịp thời, đạt hiệu quả, không có đơn thư tồn đọng kéo dài hoặc đơn chậm giải quyết.
Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã thực sự tạo thêm động lực và khơi dậy tiềm năng để tổ chức cơ sở đảng, cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, viên chức và người lao động, nhất là cán bộ lãnh đạo đã từng bước hoàn thiện hơn về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác và lòng nhiệt tình đối với trách nhiệm được Đảng và Nhà nước phân công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của viên chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ được kỳ vọng sẽ bứt phá trong việc phát triển du lịch gắn với hệ sinh thái rừng tràm đặc trưng. |
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo tỉnh đánh giá cao việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đồng thời yêu cầu đơn vị hoàn chỉnh thêm báo cáo, thể hiện rõ nét hơn nữa các kết quả, hạn chế, nhất là các nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với những nhiệm vụ công tác, hoạt động trọng tâm của đơn vị.
Ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, thông tin: “Hiện nay, đơn vị đang gặp khó trong việc giữ chân lực lượng trực tiếp làm công tác bảo vệ rừng, vì chế độ thấp, với mức lương khởi điểm chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, việc thi thăng hạng, chuyển ngạch cho các chức danh việc làm của đơn vị cũng chưa thống nhất, tạo tâm lý băn khoăn cho viên chức, người lao động. Riêng đề án phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, nhưng cũng còn vướng nhiều vấn đề, đang trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Việc triển khai kêu gọi các nhà đầu tư cho du lịch cũng được xúc tiến và lựa chọn phương án phù hợp nhất theo đúng quy định”.
Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Cà Mau, lưu ý: “Vườn Quốc gia U Minh Hạ có những đặc thù riêng trong nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách. Việc triển khai thực hiện các quy định về quy chế dân chủ cơ sở cần phù hợp, sâu sát với thực tiễn hoạt động của đơn vị, làm sao để khơi dậy sức mạnh đoàn kết, dân chủ, cùng chung sức cho nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái rừng tràm quý giá của tỉnh nhà. Trong đó có các nhiệm vụ cốt lõi là gìn giữ, bảo tồn môi trường rừng; nghiên cứu, liên kết trong nghiên cứu khoa học; phát triển kinh tế rừng theo đúng quy định, nhất là phát triển du lịch sinh thái. Quan tâm, chăm lo và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, viên chức, người lao động; dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò của người dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của rừng”./.
Hải Nguyên