(CMO) “Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhìn chung còn chậm so với thời gian quy định; chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không cao, còn mang tính định hướng, từng lúc chưa sát với thực tế nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất đạt thấp”, ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, thông tin tại buổi giám sát của HĐND tỉnh về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch dụng đất trên địa bàn, sáng 13/4.
Ông Toàn cho biết thêm, nhiều công trình, dự án đã có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện được. Việc triển khai thực hiện các công trình, dự án đã có kế hoạch bố trí nguồn vốn vẫn còn chậm, thể hiện ở một số dự án chưa thực hiện được trong kỳ quy hoạch, như Nâng cấp, mở rộng đường Tắc Thủ - Rạch Ráng - Sông Đốc với diện tích 25 ha; Đầu tư xây dựng tuyến đường trung tâm bờ Bắc thị trấn Sông Đốc với diện tích 44,76 ha. Nguyên nhân là do chưa được bố trí vốn đầu tư.
Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, nêu những vấn đề quan tâm trong quy hoạch và sử dụng đất , nhất là trên địa bàn thị trấn Sông Đốc trước áp lực dân cư. |
Trong kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 2016-2020 trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện được 243/796 hạng mục công trình, dự án thuộc trường hợp thực hiện thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê và chuyển mục đích sử dụng đất, đạt tỷ lệ 30,53% về tổng số công trình, dự án đã đăng ký, với tổng diện tích đã thực hiện được là 348,65 ha/ 2.946,06 ha, đạt 13,83% về diện tích thực hiện.
Ông Hồ Song Toàn thừa nhận, thời gian qua, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian qua vẫn còn có những hạn chế nhất định. Quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng từng lúc hộ dân, doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy định, khó khăn cho việc quản lý. Việc lập và xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã còn chậm. Các quy hoạch chi tiết mới dừng lại ở mức định hướng, theo quy trình quy hoạch sử dụng đất, chưa cân đối được khả năng đầu tư, phần lớn chưa có nguồn vốn đảm bảo đầu tư cho các hạng mục, công trình theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các dự án đầu tư khi phải chuyển mục đích sử dụng đất, kể cả dự án vốn Nhà nước và các thành phần kinh tế khác, chưa dựa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện. Từ đó, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt còn thấp và còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Áp lực dân cư gây khó khăn trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất tại thị trấn Sông Đốc. |
Hiện, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có khoảng 30.000 ha trồng lúa, tuy nhiên địa phương được phân bổ 32.000 ha. “Chủ trương là giảm dần diện tích đất trồng lúa nhằm thực hiện các công trình, dự án đầu tư, xây dựng để phát triển, chỉ tiêu phân bổ vậy thì địa phương khó mà thực hiện, dù đã giải trình nhiều lần”, ông Toàn phân trần.
Người dân cải tạo, chuyển diện tích đất trồng lúa thành đất phi nông nghiệp (Ảnh chụp sáng 13/4/2022 tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời). |
Chủ trương của địa phương được ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện, nêu ra là giao đất lại cho người dân sử dụng tại 43 điểm trường không còn sử dụng (xoá điểm trường lẻ) đối với phần trước đây người dân đã hiến cho Nhà nước xây dựng trường học. Đây là nhu cầu hợp lý, cần được xem xét.
Đoàn giám sát quan tâm quan tâm đến công tác thu hồi đất, tiến độ thực hiện các dự án lớn đang được triển khai trên địa bàn, nhất là trên địa bàn thị trấn Sông đốc trước áp lực phát triển dân cư, đặc biệt là cất nhà ở tự phát, lấn chiếm đất đai…; quy hoạch sử dụng đất phải sát thực tế, khả thi, tránh mất cơ hội phát triển của địa phương, nhất là quyền lợi thụ hưởng của người dân. Ông Dương Huỳnh Khai, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị, huyện thành lập Tổ công tác giúp thị trấn Sông Đốc giải quyết những vấn đề còn khó khăn, thiết lập trật tự trước áp lực dân cư ngày càng quá lớn…/.
Trần Nguyên