“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, ý nghĩa của câu ca dao đúng như tấm lòng của bà Nguyễn Thị Đẹp (Ấp 2, xã Tắc Vân, TP Cà Mau) dành cho các con của mình.
“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, ý nghĩa của câu ca dao đúng như tấm lòng của bà Nguyễn Thị Đẹp (Ấp 2, xã Tắc Vân, TP Cà Mau) dành cho các con của mình.
Bà Nguyễn Thị Đẹp sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở Cần Thơ. Lấy chồng từ năm 21 tuổi, năm 1990, vợ chồng bà chuyển đến Ấp 2, xã Tắc Vân định cư. Cuộc sống của gia đình bà quanh năm luôn bị cái đói đe doạ. Với bà, chỉ có cái chữ mới giúp các con thoát khỏi kiếp nghèo như cha mẹ chúng. Do đó, khi 6 người con lần lượt ra đời, bà Đẹp quyết tâm sẽ nuôi các con ăn học thành tài.
Để thực hiện được quyết tâm của mình, bà Đẹp phải lao động cật lực từ sáng tới tối. Bà Nguyễn Thị Đẹp kể lại: "Gia đình tui có 2,3 ha đất canh tác nông nghiệp. Do đất bị nhiễm phèn nên trồng lúa thất mùa, lúa làm ra không đủ chà gạo ăn". Lúa thất mùa, các con bước vào tuổi cắp sách đến trường. Để 6 người con được học chữ, bà Đẹp phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh hoặc ai mướn gì làm nấy.
Bà Nguyễn Thị Đẹp tâm sự: "Có lúc gia đình rơi vào cảnh túng quẫn cùng cực nhưng nhất định tui không bán mét đất nào. Bán đất chỉ xoay xở được khó khăn trước mắt, nhưng nếu không thoát khỏi cái nghèo thì đất mất, sau này lấy gì chia cho các con".
Để có tiền nuôi các con ăn học, bà Đẹp nuôi heo, gà vịt, trồng hoa màu... Năm 2003, khi lượng rau xanh trồng tại gia đình không đủ bán, bà Đẹp chuyển sang mua sỉ rau rồi đem ra chợ Tắc Vân ngồi bán lẻ. Buôn bán bữa đắt, bữa ế, nhưng hằng tháng thì phải gửi tiền cho các con ăn học. Nên trời mưa hay nắng, bệnh tật bà không cho phép mình nghỉ một ngày.
Sáng nào bà Đẹp cũng chăm chỉ ngồi bán rau ở chợ Tắc Vân.
Thương mẹ, thấu hiểu sự hy sinh, tảo tần của mẹ, 6 người con của bà Đẹp đều xoay xở làm thêm, cố gắng học thật tốt. Lần lượt 6 người con của bà Đẹp có 5 người đã ra trường, có việc làm. Người con út hiện là sinh viên năm cuối ngành Luật, Trường Đại học Cần Thơ.
Chị Nguyễn Ngọc Hạnh, con gái thứ hai của bà Đẹp, mỗi khi nhắc đến bà lại nghẹn ngào: "Công lao của mẹ đối với chị em chúng tôi không có biển hồ nào so sánh được. Mẹ không dám ăn, không dám mặc, bệnh tật rất nhiều không dám nghỉ ngơi. Ngày nào mẹ cũng lội ra chợ bán rau. Nếu không có sự hy sinh của mẹ thì chị em tôi không thành đạt như ngày hôm nay".
Năm 1999, bà Đẹp được hội viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Phụ nữ Ấp 2. Năm 2012, bà Đẹp lại được chị em đề bạt giữ chức Chi hội phó Chi hội Phụ nữ của ấp. Mặc dù bận rộn công việc buôn bán nhưng bà Đẹp luôn phối hợp tốt với chi hội trưởng duy trì, tổ chức đều đặn các buổi sinh hoạt chi hội.
"Là chi hội phó, bà Đẹp vừa có khả năng thuyết phục chị em vào sinh hoạt hội vừa đưa ra nhiều sáng kiến giúp chi hội ngày càng phát triển. Nhờ đó, năm 2012, chi hội mới chỉ có 160 hội viên, đến nay, chi hội đã thu hút được 213 hội viên vào sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Đẹp còn là tấm gương về sự hy sinh vì gia đình, hết lòng thương yêu lo lắng cho các con ăn học thành danh", bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN xã Tắc Vân, nhận định.
61 tuổi đời, nhưng bà Nguyễn Thị Đẹp vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Bằng tấm lòng của người mẹ, bà Đẹp vẫn muốn lo cho gia đình, lo cho các con chu toàn. Bằng trách nhiệm của một chi hội phó, bà Đẹp vẫn muốn cống hiến cho công tác hội, bảo vệ quyền và đem lại lợi ích thiết thực nhất cho chị em./.
Bích Lệ