Hơn 20 năm rời quê (xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi) về sinh sống tại Lâm trường Tam Giang, cuộc sống ban đầu với 5 ha đất rừng ngập mặn, gia đình ông Trần Văn Oanh (Sáu Oanh) thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng, bao gian khổ ấy đã được đền bù xứng đáng: các con của ông đều chịu khó học hành và lần lượt tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm.
Hơn 20 năm rời quê (xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi) về sinh sống tại Lâm trường Tam Giang, cuộc sống ban đầu với 5 ha đất rừng ngập mặn, gia đình ông Trần Văn Oanh (Sáu Oanh) thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng, bao gian khổ ấy đã được đền bù xứng đáng: các con của ông đều chịu khó học hành và lần lượt tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm.
Trong căn nhà lá ọp ẹp, ông Sáu Oanh đang bắc vội nồi cơm cho đứa con gái út đi học sắp về. Dáng người ông nhỏ nhắn, tấm lưng còng và đôi vai trĩu xuống. Mời khách vào nhà, ông vừa tiếp chuyện vừa chuẩn bị bữa cơm. Ông nói, hôm nay vợ ông về quê, nhà chỉ còn ông và con gái út, 3 đứa lớn đều đi làm, lâu lâu mới về. Chuẩn bị xong bữa cơm cho con gái, ông ngồi nhìn xa xăm, nhớ về những tháng năm lập nghiệp vất vả nhọc nhằn.
Ðó là vào năm 1992, sau khi thôi làm việc chạy đò cho Lâm trường Tam Giang, ông gom góp hết vốn liếng, dắt vợ và 2 con nhỏ vào rừng canh tác. Ban đầu, do nắm chưa rõ kỹ thuật, con nước chưa thuận lợi nên gia đình lâm vào túng quẫn, ông phải gởi 2 con về nhờ ông bà nội chăm sóc, vợ chồng ông tiếp tục bám trụ đất rừng. Từ năm 1997, cuộc sống dần đỡ hơn, ông đón 2 con về tiếp tục cho đi học.
Ông Sáu Oanh tâm sự: “Tôi từ nhỏ không được đến trường, chỉ học tại nhà vì có ba làm thầy giáo, nhưng học chẳng được tới đâu nên mới khổ như vậy. Vì vậy, tôi quyết định bằng mọi giá phải cho tụi nhỏ học hành tới nơi tới chốn”.
Quãng đường đưa các con đến bờ kiến thức là quãng đường ông đánh đổi bằng tất cả sức lao động của bản thân. Khi các con vào học cấp 1, vợ ông sinh thêm đứa con gái. Sau đó một khoảng thời gian, bà đổ bệnh, cả gia đình phải trông chờ vào ông, mọi chi tiêu sinh hoạt trong nhà đè lên đôi vai của người đàn ông nhỏ nhắn ấy. Từ sáng đến tối, ông chỉ biết lặn ngụp ngoài bờ vuông bắt từng con tôm, con cá.
Khi các con vào cấp III, thời gian đó tại xã không có trường, ông phải lặn lội đưa các con ra tận thị trấn Ðầm Dơi để học. Ðường xa xôi nên ông phải tìm thuê nhà trọ cho các con ở lại. Ðể đủ chi phí cho các con, công việc của ông gần như phải tăng gấp đôi, mảnh đất rừng và vuông tôm không phải lúc nào khai thác cũng được, tiền dành dụm được bao nhiêu ông đều gởi hết cho các con, có lúc phải vay mượn thêm bà con trong xóm. Mỗi ngày ông dậy từ khi trời chưa sáng, quần quật làm đủ mọi việc để kiếm tiền, được đồng nào hay đồng nấy, ai thuê gì ông cũng làm, từ vác đất đến chặt cây... Tấm lưng ấy phơi sương gió ngày này qua ngày khác, không có được một bộ đồ lành lặn, tất cả dành dụm cho con.
Mọi người chung quanh nào có ai thấy ông Sáu Oanh ngơi nghỉ. Có một thời gian, ông được người hàng xóm rủ tìm cây về đóng giường, thấy nhà mình trước giờ chỉ nằm trên sàn, thương vợ, thương con, ông vác búa, đục tìm cây về làm thử. Do bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, ông đóng giường rất đẹp. Nhiều người thấy ông có “hoa tay” nên đặt hàng, thế là ông nhận luôn. Những cái giường ông làm ra ai cũng ưng ý, dù phải mất thời gian gần 1 tuần lễ để cho ra một sản phẩm vì còn phải lo việc ngoài vuông tôm và việc trong nhà.
Ðôi mắt ông Sáu sáng lên với câu chuyện ở hiện tại: "Thằng con lớn bây giờ đã tốt nghiệp Ðại học Ðiện công nghiệp, đang làm ở Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu; còn con gái thứ ba tốt nghiệp Ðại học Kế toán, làm công ty tư nhân ở Vũng Tàu, giờ đang đi bồi dưỡng bên Anh quốc. Ðứa nào cũng có công việc ổn định. Ðứa thứ tư hằng tháng đều được các anh chị lo chi phí đi học, lâu lâu tôi mới gửi cho chút ít".
Thời gian gần đây nuôi tôm cũng có thu nhập khá, cuộc sống ổn định, ông Sáu dành thời gian lo cho con gái út, năm nay vừa vào lớp 6, năm nào cũng là học sinh giỏi. Ông cho biết: "Sức khoẻ giờ đã giảm nhiều nên không làm được bao nhiêu việc nữa, chủ yếu ráng làm trả nợ cho xong, dành dụm chút ít cho con gái út đi học và định cuối năm nay chở vợ đi trị bệnh”.
Suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người nông dân ấy chưa bao giờ nghĩ đến bản thân mình, chỉ luôn canh cánh trong lòng bằng mọi giá phải lo cho các con được học, học để không phải khổ như mình, học để đổi thay cuộc sống, thoát khỏi cái nghèo./.
Bài và ảnh: Khánh Phương