Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho trẻ, học tập, làm theo lời Bác tiết kiệm trong cuộc sống hằng ngày, Trường Mầm non Lợi An, ấp Ông Tự, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời tích cực đẩy mạnh phong trào làm đồ dùng, đồ chơi ứng dụng vào các tiết học, gây hứng thú cho trẻ.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Lợi An Lê Ngọc Lánh cho biết: “Trẻ mầm non rất hiếu động và tỏ ra thích thú với những tiết vừa học, vừa chơi. Nắm được tâm lý đó, ngoài những đồ dùng, đồ chơi được cấp phát, nhà trường còn chủ động tìm và sáng tạo ra rất nhiều đồ dùng, đồ chơi, vật dụng từ những phế liệu, phế thải phục vụ học tập, vui chơi, sinh hoạt thêm sinh động”.
Trẻ em thích thú với đồ chơi tự tạo. |
Tích cóp nhặt nhạnh những vật dụng tưởng chừng vứt đi như hộp sữa, hộp kem, chai nước, hộp cơm, muỗng nhựa, hộp xốp… nhưng với sự cần mẫn, đôi bàn tay khéo léo, các giáo viên sử dụng, tái chế làm ra những vật dụng vô cùng bắt mắt và độc đáo, thân thiện với môi trường như bình hoa, con vật, nón bảo hiểm, đồ chơi…
Ấn tượng hơn là với những nguyên liệu “cây nhà lá vườn”, người “thợ” không ngừng sáng tạo cho ra đời những bộ mô hình, chế tác công phu phục vụ cho hội thi cấp huyện, tỉnh. Trong “Hội thi Kể chuyện theo sách” vừa qua, tập thể giáo viên cùng nhau tận dụng những gáo dừa, tre, nứa, rơm, xốp… chế tác mô phỏng lại những vật dụng có trong cuộc sống hằng ngày như giường, gối, chén, đũa, nhà cửa… được ban giám khảo hội thi đánh giá cao về mặt ý tưởng đạo cụ. Niềm vui được nhân đôi khi chính nhờ những đồ vật tự tạo ấy, nhà trường vinh dự giành giải B trong hội thi này.
Cô Nguyễn Cẩm Mân, một trong những giáo viên tích cực tham gia phong trào làm đồ dùng, đồ chơi, chia sẻ: “Ðược tự tay làm ra những vật dụng rồi giảng dạy trong tiết học thật thú vị. Kết quả mang lại thành công ngoài dự kiến, trẻ say mê học tập, tranh nhau phát biểu, đóng kịch, có ý thức giữ gìn đồ dùng hơn. Tham gia phong trào tạo cho trẻ thói quen không xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường xung quanh, tiết kiệm kinh phí, đặc biệt là giúp trẻ phát huy óc sáng tạo trong từng tiết học”.
Ðể làm ra những vật dụng, đồ chơi, giáo viên phải vệ sinh sạch sẽ các nguyên liệu, sát khuẩn, phơi nắng rồi mới tiến hành gia công. Cô Lánh cho biết thêm: “Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây hại cho sức khoẻ của trẻ. Vì vậy, tự tay làm ra những món đồ dùng, đồ chơi cũng là cách nhà trường bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho trẻ, phụ huynh cũng an tâm hơn vì con được học tập, tiếp xúc trong môi trường lành mạnh, thân thiện. Ðặc biệt, sáng kiến này được phụ huynh đồng tình ủng hộ. Rất nhiều cha mẹ sẵn sàng góp nhặt những nguyên vật liệu có ở nhà đem lại trường cùng chúng tôi làm đồ chơi cho trẻ, tạo sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh”.
Trường Mầm non Lợi An là trường vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Hiện trường có 13 lớp, với 294 học sinh, chia làm 2 điểm học nên việc tận dụng những vật dụng có sẵn ở địa phương là hết sức cần thiết, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa góp phần thiết thực vào bảo vệ môi trường sống.
Không chỉ tự làm mà giáo viên còn hướng dẫn trẻ cùng làm bằng cách cho trẻ tự chọn màu sắc, làm những chi tiết đơn giản. Qua đó, khơi dậy trí sáng tạo, ham hiểu biết, khả năng quan sát, bộc lộ tư duy, trí tưởng tượng, rèn luyện sự khéo léo cho trẻ. Ðồng thời, phát hiện những trẻ có năng khiếu về nghệ thuật để bồi dưỡng.
Hằng ngày, tập thể giáo viên cùng các bé hì hục tham gia làm đồ dùng, đồ chơi theo từng chủ đề của chương trình học. Các chủ đề thiết thực xoay quanh cuộc sống hằng ngày như: gia đình, thiên nhiên, công trình xây dựng, giao thông, bánh trái… lần lượt được khai thác. Nhiều tác phẩm được đánh giá cao, được ban giám hiệu nhà trường lưu lại triển lãm, trưng bày giới thiệu cho khách tham quan./.
Bài và ảnh: Nhi Ngô