(CMO) Những ngày qua, sóng to, gió lớn kết hợp thủy triều dâng cao làm xảy ra tình trạng sạt lở nặng nề khu vực ven cửa biển Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn. Sạt lở đã phá hủy nghiêm trọng rừng phòng hộ rất xung yếu ven tuyến biển này.
Năm nay thời tiết thay đổi bất thường, gây ra nhiều vụ sạt lở, tác động bất lợi đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là các đơn vị, hộ gia đình nhận đất khoán để trồng rừng và nuôi thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, cho biết, tháng 10, 11, 12 năm trước nước dâng không cao lắm, sóng biển lại ít hơn mọi năm. Trái lại, qua Tết Nguyên đán thời tiết lại thay đổi hẳn. Do gió mạnh, sóng lớn nên sạt lở liên tục diễn ra ở khu vực này.
Các lực lượng có liên quan bàn giải pháp chống sạt lở khu vực ven biển Hố Gùi. |
Theo UBND xã Tam Giang Đông, 4 ngày trở lại đây, tình hình sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn, khi các cơn sóng lớn đã làm sạt lở chiều dài hơn 1 cây số tại khu vực ven biển thuộc ấp Hố Gùi. Có đoạn sóng khoét sâu từ bờ biển vào đất liền trên 100 mét, trong đó khoảng 50 mét là rừng phòng hộ rất xung yếu, còn lại là đất nuôi thủy sản. Sạt lở làm ảnh hưởng trên 314 ha đất vuông tôm của Công an tỉnh Cà Mau, hiện vẫn chưa thống kê được thiệt hại.
Một mảng sạt lở ở khu vực cửa biển Hố Gùi. |
Với tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, sạt lở sẽ tiếp tục đe dọa đến đời sống của người dân trên lâm phần. Đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ rất xung yếu có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề.
Tổng chiều dài bờ biển tuyến rừng phòng hộ rất xung yếu nằm trên địa bàn xã Tam Giang Đông khoảng 13 cây số. Qua rà soát của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I, từ năm 2007 đến năm 2014, diện tích rừng phòng hộ rất xung yếu ven biển bị sạt lở gần 260 ha, hiện chỉ còn khoảng trên 500 ha.
Ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết thêm, nếu không có giải pháp kịp thời, căn cơ thì tương lai không xa, diện tích rừng phòng hộ rất xung yếu trên tuyến này sẽ bị xóa sổ.
Văn Tưởng - Thành Vũ