ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 10-5-24 15:35:13
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sẽ quản lý chặt nguồn thuế thương mại điện tử

Báo Cà Mau Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu hướng kinh doanh phổ biến và ngày càng lớn rộng. Có thể nói, đây là lĩnh vực kinh tế quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý thuế.

Thời gian qua, dù ngành thuế tỉnh đã có nhiều giải pháp quản lý, song kết quả vẫn chưa thật sự tương xứng với quy mô phát triển của TMĐT.

Lãnh đạo Cục thuế tỉnh cho biết, hiện nay các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau như: email, sàn TMĐT, website, các kênh, trang mạng xã hội... Hiện tỉnh Cà Mau có 2 sàn TMĐT (madeincamau.com và postmart.vn) được đưa vào app chính quyền điện tử (CaMau-G). Số lượng tài khoản người bán trên 2 sàn TMĐT là 5.566 tài khoản. Số lượng tài khoản người mua là 125.093 tài khoản. Tổng số nông sản lên sàn 706 sản phẩm. Tổng số loại sản phẩm OCOP lên sàn 119 sản phẩm.

Sàn thương mại điện tử “madeincamau.com” có 82 tài khoản người bán (82 shop/cửa hàng) với hơn 635 sản phẩm hàng hoá, có 767 tài khoản thành viên, hơn 20.000 lượt truy cập và có 203 đơn hàng phát sinh.

Riêng sàn TMĐT tỉnh Cà Mau (madeincamau.com) đến nay có 82 tài khoản người bán (82 shop/cửa hàng) với hơn 635 sản phẩm hàng hoá, có 767 tài khoản thành viên, hơn 20.000 lượt truy cập và có 203 đơn hàng phát sinh.

Để quản lý thuế đối với loại hình hoạt động TMĐT này, đã qua, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực, các Phòng bám sát nội dung chỉ đạo của Tổng cục Thuế (TCT) về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT gắn với thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh Cà Mau về việc triển khai các giải pháp quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu thuế trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Nhiều sản phẩm được buôn bán trên các sàn thương mại điện tử còn nhỏ lẻ, thông tin chưa rõ ràng, gây khó khăn trong công tác quản lý, chống thất thu thuế (ảnh minh họa).

Theo kết quả rà soát từ danh sách hơn 3.800 giao dịch của cá nhân trên Sàn TMĐT Shopee (từ năm 2019-2021), có 66 cá nhân giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên/năm thuộc trường hợp đến ngưỡng phải kê khai, nộp thuế. Trong đó, có 26 cá nhân còn hoạt động, còn lại cá nhân không hoạt động, không liên hệ được. Trong 26 cá nhân còn hoạt động, đã kê khai thuế với số tiền thuế 162 triệu đồng. Số tiền thuế phát sinh phải nộp không lớn.

Nói về khó khăn trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT, ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra - Kiểm tra 2, Cục thuế tỉnh, cho biết: “Đa số thông tin của cá nhân không đúng thực tế, địa chỉ kinh doanh ảo. Họ tên đăng ký trên sàn TMĐT khác với thực tế, nhiều trường hợp có địa chỉ nhưng hộ, cá nhân không còn hoạt động; nhiều trường hợp cá nhân không thừa nhận hoạt động bán hàng… dẫn đến công tác rà soát quản lý khó khăn. Ngoài ra, theo quy định, ngân hàng chỉ cung cấp thông tin khi có định danh rõ ràng, trong khi hầu hết các thông tin của cá nhân bán hàng trên Sàn TMĐT, trên Zalo, Facebook…là thông tin không đúng thực tế”.

Sắp tới, theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, ngành thuế tỉnh sẽ ứng dụng phần mềm để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, qua rà soát cũng cho thấy, địa bàn Cà Mau là nơi tiêu thụ nên đa số các cá nhân tham gia TMĐT là để mua hàng hoá cho tiêu dùng; nhiều trường hợp hộ kinh doanh kết hợp mua, bán truyền thống với mua, bán hàng qua mạng, doanh số mua, bán không lớn.

“Đã qua, rất khó tìm ra người kinh doanh TMĐT để chấp hành pháp luật về thuế đúng quy định. Hoặc khi tìm ra người rồi, nhưng những người này sẽ viện dẫn đủ lý do, không phải mua bán trên sàn, đòi hỏi cơ quan thuế phải xác định được doanh thu mua bán. Gần đây, thêm một dạng mới là mở nhiều tài khoản ngân hàng với nhiều người đứng để chia nhỏ doanh thu, để dưới ngưỡng 100 triệu đồng phải chịu thuế”, ông Tòng dẫn giải.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng, theo Cục thuế tỉnh Cà Mau, TCT vừa triển khai một ứng dụng mới để quản lý thuế trên lĩnh vực TMĐT. Với ứng dụng này, những thông tin của cá nhân mua bán trên mạng đều được nắm bắt kịp thời. Tới đây, hàng quý TCT sẽ chuyển danh sách giao dịch về theo địa chỉ của mỗi địa phương để quản lý kịp thời.

“Buôn bán bằng công nghệ thì phải dùng công nghệ để quản lý. Nếu dò đường tìm thì như mò kim đáy bể, không thể dùng phương thức thông thường được. Còn với ứng dụng mới này, khi tiếp nhận danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT do TCT hoặc các chủ sàn TMĐT của tỉnh Cà Mau chuyển đến thì ngành thuế tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra doanh số mua bán để quản lý thu thuế. Đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn sẽ phối hợp với ngân hàng xác minh ngoài doanh số giao dịch trên sàn TMĐT còn có phát sinh giao dịch kinh doanh khác hay không để tiến hành xử lý đúng tính chất, mức độ vi phạm. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển vụ việc sang cơ quan Công an xử lý theo quy định”, ông Tòng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành thuế sẽ tiếp tục thực hiện thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật thuế trên Trang thông tin điện tử; cơ quan thông tấn báo chí truyền thông công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử… để tổ chức, cá nhân kinh doanh hiểu hành vi kinh doanh TMĐT không kê khai, nộp thuế là hành vi trốn thuế, hành vi này có thể dẫn đến tội phạm trốn thuế.

Đồng thời, sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là cơ quan Công an, các đoàn liên ngành, Ban Chỉ đạo 389, chọn một số đối tượng có nghi vấn tiến hành xác minh, đối chiếu, đồng thời phối hợp với ngân hàng kiểm tra dòng tiền của đối tượng có nghi vấn. Trường hợp có vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định pháp luật để tạo sự lan toả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của cá nhân kinh doanh TMĐT.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, TCT, UBND tỉnh đối với công tác quản lý thuế lĩnh vực TMĐT, ngành Thuế nói chung và Cục Thuế tỉnh Cà Mau nói riêng sẽ từng bước quản lý được các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT, để đưa vào quản lý thuế theo đúng quy định pháp luật thuế.


Theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoạt động thương mại điện tử, trong đó, hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật về thuế. Nếu vi phạm thì bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng (quy định tại Điều 10, 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).

Trường hợp trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Hồng Nhung

 

 

Sẽ quản lý chặt nguồn thuế thương mại điện tử

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành xu hướng kinh doanh phổ biến và ngày càng lớn rộng. Có thể nói, đây là lĩnh vực kinh tế quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý thuế.

Vướng mắc trong quản lý an toàn thực phẩm

Năm 2010, khi Luật An toàn thực phẩm (ATTP) ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, phân công quản lý cho 3 ngành: Y tế, Công thương và Nông nghiệp.