Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Nhờ đó, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, quy củ hơn.
Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Nhờ đó, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, quy củ hơn.
Theo ông Phạm Tiến Sửu, Phó Chánh Thanh tra giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Cà Mau, hiện không chỉ có trạm cân lưu động của Thanh tra GTVT mà quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng cơ động cân tải trọng xe. Ngoài việc mở trạm cân lưu động trên các tuyến quốc lộ kết hợp với kiểm tra phương tiện, thủ tục hành chính, Thanh tra GTVT còn tổ chức kiểm tra tại các điểm đầu mối lên xuống hàng hoá... để nhắc nhở và xử phạt vi phạm. Thế nên, phần đông các doanh nghiệp vận tải, lái xe đã có ý thức tự giác.
Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động số 48 hoạt động trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp. |
Tuy nhiên, thực tế phát hiện vi phạm tại trạm cân có giảm, nhưng số trường hợp phương tiện hoạt động trên tuyến vi phạm còn cao.
Vẫn còn tình trạng đối phó
Theo số liệu thống kê tại Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động số 48, từ đầu năm đến nay, trạm đã kiểm tra 340 xe tải và chỉ xử lý 37 trường hợp vi phạm quá tải trọng. Nhưng báo cáo của Ban ATGT tỉnh thì tính đến thời điểm này, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử phạt trên 300 trường hợp vi phạm chở hàng hoá quá tải trọng của xe.
“Thường là khi phát hiện có trạm cân thì các lái xe thông tin cho nhau, nếu xe nào chở quá tải trọng có thể dừng ở điểm nào đó cách trạm cân rồi cho xe nhỏ vận chuyển bớt hàng hoá, sau khi qua trạm cân thì lên hàng trở lại. Hoặc cũng có lúc tài xế đậu xe lại chờ rồi cho người đến gần trạm để theo dõi, khi phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ sơ suất thì thông tin cho xe vượt trạm”, ông Nguyễn Hoàng Khen, Phó đội trưởng Ðội Thanh tra GTVT số 1, Ca trưởng Trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động số 48, cho biết.
Ngoài việc bức xúc tình trạng đối phó của lái xe, ông Khen còn cho biết, hoạt động của trạm cân hiện nay chưa được sự quan tâm của tỉnh. “Công tác kiểm tra tải trọng xe còn diễn ra lâu dài, nhưng hiện tại lực lượng làm nhiệm vụ chủ yếu là kiêm nhiệm mà trạm cân hoạt động xuyên suốt 24/24, nên đôi lúc anh em “đuối” vì không có chỗ nghỉ ngơi, luân phiên nhau đảm bảo sức khoẻ phục vụ tốt cho công việc. Mặt khác, mức chi bồi dưỡng cho anh em còn thấp so với đặc thù công việc kiêm nhiệm này”, ông Khen bộc bạch.
Cần xử phạt nghiêm khắc hơn
Quy định về quản lý vận tải đã được ngành GTVT triển khai rộng rãi đến các doanh nghiệp vận tải, chủ bến hàng hoá... Các phương tiện vận tải đều được kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng sửa chữa và được kiểm định đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy trình kiểm định của Bộ GTVT, Cục Ðăng kiểm Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đăng kiểm gần 1.700 lượt phương tiện cơ giới đường bộ, thu phí bảo trì đường bộ đối với ô-tô được trên 3,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tuyên truyền giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe là không chở quá tải, không vi phạm nồng độ cồn, đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian làm việc... Song, thường thì phương tiện gần đến thời gian đăng kiểm mới được o bế để đạt yêu cầu, còn lái xe thì đôi khi vì lợi nhuận nên hoạt động xuyên suốt mà ít khi kiểm tra phương tiện và thiếu ý thức trong điều khiển phương tiện, dẫn đến những sự cố nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Việc thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng cũng chỉ mang tính răn đe, giáo dục, cốt lõi vẫn là ý thức tôn trọng pháp luật của các doanh nghiệp vận tải và đạo đức của người lái xe. Và, kiểm soát tải trọng chỉ là một mặt của vấn đề siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Hơn 1 năm tỉnh ta tổ chức trạm cân lưu động, tuy hoạt động vận tải có nền nếp hơn, nhưng hiện tại vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều mặt công tác để đạt mục tiêu giảm từ 5-10% các chỉ tiêu tai nạn giao thông trong năm 2015./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha