(CMO) Trong tiến trình chuyển đổi số (CÐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giáo dục là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, hướng đến xây dựng nền giáo dục mở. Tích cực thực hiện CÐS, thời gian qua, Trường THCS Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và đào tạo, hướng đến CÐS toàn diện.
Ban Giám hiệu Trường THCS Quách Phẩm Bắc tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi, trách nhiệm giải quyết của nhà trường. Theo đó, rà soát, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục như chuyển trường trong tỉnh; chuyển trường ngoài tỉnh; xác nhận thời gian học tập tại trường; tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh, cấp lại bằng tốt nghiệp THCS. Ðặc biệt, tăng cường công tác số hoá kết quả giải quyết TTHC từ văn bản giấy sang văn bản điện tử.
Giáo viên đổi mới, tạo được sự hứng thú trong việc tiếp thu bài của học sinh. |
Thầy Hồ Quốc Cần, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin, trường còn đặc biệt ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học, nghiên cứu và công tác hành chính, quản trị. Trường nhanh chóng triển khai, đưa vào sử dụng hiệu quả nền tảng CÐS phục vụ dạy và học, kiểm tra, đánh giá trực tiếp; kết nối các nền tảng dạy học với quản trị, tạo sự đồng bộ. Trong đó, bao gồm các phần mềm chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh (phần mềm quản lý học sinh SMAS; phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến K12Online; phần mềm PCGD; phần mềm quản lý thư viện Schoole Library; phần mềm văn phòng điện tử iOffice); quản lý hồ sơ công chức, viên chức... Triển khai thực hiện nghiêm túc ký duyệt kế hoạch dạy học qua hộp thư điện tử, số hoá các hồ sơ sổ sách theo đúng quy định của ngành.
“Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ trong nhà trường được đầu tư đồng bộ, với các phòng làm việc, phòng chức năng, phòng học đều được kết nối Internet tốc độ cao; ti vi được bố trí ở các phòng học; hệ thống camera giám sát được gắn xung quanh trường. Ðây là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện tốt ứng dụng CNTT trong dạy và học cũng như hướng đến thực hiện có hiệu quả mục tiêu CÐS mà ngành đã đề ra”, thầy Hồ Quốc Cần chia sẻ.
Cùng với việc thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học theo hướng tích cực và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, Trường THCS Quách Văn Phẩm còn tổ chức các chuyên đề để tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả, đồng thời chỉ đạo và quán triệt đến tất cả nhân viên quản lý, giáo viên đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phục vụ công tác. Từ đó, chất lượng giáo dục ở tất cả các lớp học ngày càng được nâng lên, kết quả các mặt giáo dục được nâng cao.
Trước đây các tiết học của thầy và trò Trường THCS Quách Phẩm Bắc hầu như theo phương pháp truyền thống đó là thầy cô giảng, học trò lắng nghe và trả lời. Từ năm học 2021-2022 và đặc biệt là năm học 2022-2023 này, các tiết học đã chuyển sang hình thức học mới, đó là ứng dụng CNTT trong giảng dạy.
Thầy Lê Văn Lâm, giáo viên nhà trường, chia sẻ: "So với phương pháp giáo dục truyền thống, hiện nay việc truyền tải nội dung giảng dạy bằng các thiết bị CNTT đã mang lại hiệu quả cao cũng như tạo sự hứng thú cho học sinh, từ đó học sinh dễ tiếp cận nội dung bài học hơn. Việc ứng dụng CNTT trong từng tiết giảng đã giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian, mà hiệu quả mang lại cao hơn. Với cách tiếp cận mới này, cùng với nhiều trò chơi hấp dẫn giúp không khí lớp học thêm sôi nổi, học sinh thích thú. Việc ghi nhớ bài học vì thế cũng dễ dàng và hiệu quả hơn".
Em Huỳnh Gia Hân, học sinh lớp 9B, phấn khởi: "Từ khi thầy cô giảng bài trên lớp kết hợp giữa viết trên bảng và trình chiếu trên ti vi với những hình ảnh sinh động, thì việc tiếp thu bài của chúng em rất tốt. Ví dụ như môn Lịch sử, Sinh học, khi giảng, thầy cô kết hợp với những hình ảnh minh hoạ giúp chúng em dễ nhìn, dễ hình dung, dễ quan sát và cũng dễ tiếp thu bài hơn".
Thầy Hồ Quốc Cần cho biết thêm, thời gian tới, trường sẽ tập trung đẩy mạnh CÐS trong dạy, học và quản lý học sinh để đáp ứng quá trình đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới. Tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị CNTT phục vụ dạy, học. Song song đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương tuyên truyền đến giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và người dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, về mục tiêu và định hướng phát triển của nhà trường nhằm tạo sự tin tưởng, lạc quan, đồng thuận, đồng thời phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội cho công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo./.
Thanh Phương