(CMO) Tính từ 16/12/2017 - 15/3/2018, toàn quốc xảy ra 4.674 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.149 người, bị thương 3.627 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 139 vụ và 208 người bị thương nhưng tăng 35 người chết.
Ngày 30/3, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì sơ kết công tác đảm bảo TTATGT quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2018 với 63 điểm cầu trên cả nước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng phát biểu tham luận tại hội nghị.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, tính từ 16/12/2017 - 15/3/2018, toàn quốc xảy ra 4.674 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.149 người, bị thương 3.627 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 139 vụ và 208 người bị thương nhưng tăng 35 người chết. Theo thống kê, trong quý I/2018, có 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm, 27 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 1, tỉnh Cà Mau có 20 vụ tai nạn giao thông, chết 17 người, bị thương 18 người, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 5 vụ, giảm 20%; tăng 13 người chết, tăng 325%; giảm 19 người bị thương, giảm 61,7%. Trong đó, có 1 vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình làm chết 3 người, bị thương 1 người.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng nêu rõ những yếu tố làm gia tăng TNGT: phần lớn tai nạn đường bộ xảy ra trên tuyến quốc lộ, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Khi đó, mật độ phương tiện, nhất là xe mô tô, xe gắn máy tăng lên gấp 6 – 7 lần ngày thường, trong khi Quốc lộ 1 là độc đạo đi về 4 huyện trong tỉnh, mặt đường hẹp nên dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Ngoài ra, với đặc thù địa bàn tương đối rộng, lực lượng mỏng nên công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng không thể bao quát, nhất là các tuyến đường nông thôn, đặc biệt là đối với đường thuỷ nội địa. Hiện tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn ở khu vực nông thôn khá nhiều, trong khi thẩm quyền của công an xã không được dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý vi phạm. Do đó, tai nạn giao thông có liên quan đến nồng độ cồn khu vực nông thôn trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng với đó, theo quy định của Luật giao thông đường bộ, người điều khiển xe gắn máy dưới 50 cm3 không cần có giấy phép lái xe, nên hiện nay loại phương tiện này tăng rất nhanh. Người điều khiển xe không am hiểu pháp luật cũng như thiếu kỹ năng lái xe, trong khi Bộ Giao thông - vận tải chưa có chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn giao thông theo quy định của Luật giao thông đường bộ cho đối tượng này. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông cao.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, mặc dù dự báo được tình hình, đã có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, song tình hình tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản; tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe khách vẫn còn khá phổ biến. Tình trạng bến cóc, xe dù, tiêu cực trong thực thi công vụ gây dự luận không tốt vẫn còn.
Trước thực trạng trên, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II. Trong đó, các bộ ngành, địa phương hưởng ứng, thực hiện tốt chủ đề năm ATGT năm 2018 “An toàn giao thông cho trẻ em”. Đồng thời, chỉ đạo ngành Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen về TNGT. Chỉ đạo UBND các cấp tăng cường công tác kiểm tra lập lại trật tự giao thông tại các địa phương; sắp xếp hợp lý việc sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường. Một mặt là tuyên truyền vận động, một mặt là sẽ có những chế tài nghiêm đối với người vi phạm, kiên quyết từ bỏ ngay tư tưởng nể nang, e dè trong xử lý vi phạm an toàn giao thông.
Lê Chí