ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-7-25 12:21:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Soạn giả Lý Bông Dừa: Gửi lòng theo từng trang viết

Báo Cà Mau (CMO) Mỗi lần có dịp gặp nhau là y như rằng Tài tử Kim Trang, Phó chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử huyện Phú Tân cũng nhắc về Soạn giả Lý Bông Dừa với những lời khen ngợi chân tình: "Đó là ngòi bút nữ có sức viết rất khoẻ, ca từ mộc mạc, bình dị, mê lắm". Lân la trên mạng xã hội tìm những bài ca đã được nhiều nghệ sĩ thể hiện khiến tôi thêm tò mò, thôi thúc một chuyến về Năm Căn chỉ để gặp mặt soạn giả có bút danh là một điệu lý rất chân phương này.

Vừa đến nơi, hỏi ra mới vỡ lẽ chị là cô giáo Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1981), giáo viên Trường Tiểu học xã Hàm Rồng, viết lách chỉ là nghề tay trái. Vừa đón tiếp người khách mới quen, vừa sắp xếp lại bàn làm việc, nở nụ cười tươi, chị khoe: "Mấy anh em nghệ sĩ cứ gọi đặt bài nên tranh thủ ghi lại để khỏi quên!". Trưa nắng hối hả, từng câu chuyện nghề được chắp nối bằng giọng đầy hào hứng.

Cô giáo mê văn nghệ

"Hồi còn đi học cũng khoái viết lách, mê ca hát lắm nhưng không tưởng tượng được sau này sẽ dấn thân vô con đường sáng tác, mà ước mơ lớn nhất là được làm cô giáo". Nghĩ vậy nên chị cố gắng học. Cuộc sống khó khăn, học xong chương trình 9+3 song song với học sư phạm, 19 tuổi chị về công tác tại Trường Tiểu học xã Hàm Rồng.

Đối với Soạn giả Lý Bông Dừa, sự bình dị trong từng bài ca chính là những trải lòng rất thật của riêng chị.

Tuổi trẻ năng động, nhiệt huyết, chị được lãnh đạo phân công đảm nhiệm vai trò Tổng phụ trách Đội, tổ chức phong trào Đội cho học sinh vùng quê nghèo cũng như các phong trào văn nghệ của trường. Nhờ có năng khiếu, chị được Phòng Văn hoá huyện Năm Căn mời kết hợp Đội tuyên truyền lưu động phục vụ trong huyện. Lĩnh vực văn nghệ quần chúng được chị tham gia nhiều thể loại như ca nhạc, cổ nhạc, đóng kịch ngắn, múa... Có khi đi chung với đoàn ca múa nhạc phục vụ khắp các huyện trong tỉnh nhân những sự kiện lớn. Những say mê, ước mơ với ánh đèn tạm dừng lại khi chị lập gia đình 5 năm sau đó. Đồng thời, được nhà trường giao đứng lớp giảng dạy nên việc hát cũng ngày một ít dần rồi tạm ngưng để tập trung vào bục giảng. Bắt tay vào việc học tập trau dồi, giờ lên lớp chị là một cô giáo yêu nghề, nhiệt huyết trau chuốt trong từng giáo án. Lớp học được chị ví như sân khấu và người giáo viên như diễn viên làm sao để thu hút và tạo được hứng thú, thoải mái, khơi gợi tính năng động, sáng tạo tìm tòi của học trò. Ngoài ra, chị còn theo sát phụ huynh trong vấn đề dạy dỗ con em, vì thế luôn được nhà trường và phụ huynh tin tưởng, cất nhắc lên làm tổ trưởng chuyên môn. Những thành tích giáo viên giỏi vòng tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh... đã đạt được như quả ngọt cho nghề khiến chị yêu hơn, nỗ lực nhiều hơn.

Thời gian theo học đại học tại Cà Mau, chị lân la tìm đến CLB Đờn ca tài tử tỉnh để sinh hoạt. Nhiều tài tử trong CLB hướng dẫn thêm về bài bản, cách ca, có cơ hội được mời ca thu thanh để phát trên đài phát thanh của huyện hàng tuần. Máu văn nghệ của nhiều năm trước vẫn đủ sức nóng âm ỉ, chờ ngày có cơ hội bộc phát...

Gửi lòng mình theo từng trang viết

Năm 2017, bài vọng cổ đầu tay mang tên "Chôn vùi kỷ niệm tình xa" được post lên trang cá nhân, không ngờ nhận được nhiều lời khen ngợi, đồng thời được một người bạn làm thành bản karaoke up lên Youtube như món quà tặng trân quý tài năng.

"Sau khi tải bài hát lên mạng xã hội, chỉ thời gian ngắn thì có một người yêu ca hát ở nước ngoài liên hệ ngỏ ý xin được hát bài của mình vì quá thích, lúc đó mừng dữ lắm luôn. Rồi cảm hứng, niềm mê viết cũng chính từ đây bắt đầu được khơi gợi lên", với giọng chân tình, chị Thảo nhớ lại.

Bài thứ hai "Tâm sự mùa gió chướng" cũng tiếp tục được đón nhận, vậy rồi một loạt bài vọng cổ nối tiếp nhau ra đời trong sự hăng hái bước vào "địa hạt" mới. Có người vì mê lối viết của chị mà lân la liên hệ chỉ để... kể chuyện đời tư mong được viết một bài cho riêng mình. Sẵn sàng nhận lời, coi đó như điều kiện thuận lợi để có "tứ", làm giàu thêm chất liệu sáng tác, cô giáo cứ mải miết viết như chính lời tâm sự của mình. 

Âm thầm theo dõi người bạn facebook chưa gặp mặt với khoảng 10 bài vọng cổ lần lượt được chia sẻ trên mạng xã hội, như thấy được tố chất của một tác giả mới, Soạn giả Đăng Minh, một cây bút kỳ cựu đích thân liên hệ trao đổi và ngỏ ý giúp đỡ để cô giáo vững vàng hơn trong việc viết lách. Vậy là chị có dịp được lĩnh hội nhiều kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp quý giá từ người thầy tài danh này. Đồng thời, chính ông cũng tạo điều kiện để người học trò ở quê hương Cà Mau có dịp tham gia lớp đào tạo biên kịch ở TP Hồ Chí Minh. Lớp học này do các thầy cô là soạn giả, đạo diễn tiếng tăm đứng lớp và học viên đa phần xuất thân từ điện ảnh, sân khấu. Kết thúc khoá học, mỗi học viên phải có một tác phẩm để thẩm định. Vở cải lương "Duyên muộn tình xuân" viết trong hai tuần được trình làng như một cột mốc lớn trong nghề viết của chị. Bên cạnh những lời trầm trồ, tác phẩm này cũng được Đài VOH thu phát thanh ngay sau đó. Bút danh Lý Bông Dừa do thầy đặt từng bước khẳng định thương hiệu riêng như một làn gió mới.

Miệt mài tìm hiểu, học hỏi, thầy dạy tới đâu trò viết tới đó, tay nghề nâng lên qua từng ngày chẳng hay. Chập cải lương "Chợ dưới cầu" đầu tiên như một bài tập của thầy giao, khi viết xong được Đoàn Cải lương Hương Tràm chọn dàn dựng liền chương trình an toàn giao thông và đều đặn cứ thế hơn 10 chập cải lương ra đời phát sóng định kỳ hàng tháng. 

Như cánh diều mới nhanh chóng no gió trong vùng trời nghệ thuật, ngòi bút của chị sung sức, viết bằng tình yêu, bằng sự mê say con chữ. Hầu như bài nào khi viết ra đều được sự giúp đỡ của kênh karaoke Nguyễn Thành Nhơn để up lên Youtube miễn phí. Ban đầu thấy bút danh lạ, nhiều người nhấp vào để hát rồi dần thương lối viết của chị nhiều hơn.

Tuy chỉ gần 3 năm nhưng Soạn giả Lý Bông Dừa đã sáng tác hơn 200 bài vọng cổ và bài bản tài tử, rất nhiều bài trong số này được phổ biến trên các đài truyền hình: Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre cũng như được nhiều nghệ sĩ ưa chuộng sử dụng như "Đêm mưa nhớ mẹ", "Giọt men tình", "Tiền thắng tình thua", "Mùa bông sậy", "Lời hẹn quay về", "Nhớ mãi tình cha, "Mẹ trong khúc ca dao", "Sao em làm ngơ", "Cây đàn cũ"... Hiện tại, chị liên tục được các đài và nhiều nghệ sĩ trẻ ở Sài Gòn liên hệ đặt hàng bài vọng cổ viết riêng. Mỗi tác phẩm được viết đều có sự nghiền ngẫm, chỉn chu, ca từ gần gũi, mang hơi hướng trẻ trung. Khi cầm bút sáng tác, chị quan niệm không đặt nặng tác phẩm của mình theo một khuôn khổ nhất định mà phải luôn làm mới để người nghe thích, ca từ khớp với chữ đờn dễ ca, dễ thuộc. Chất liệu sáng tác được khéo léo khai thác từ đời sống gần gũi hàng ngày.

Lý Bông Dừa của hiện tại và cô giáo của năm xưa tuy hai mà một và đang cố gắng vẹn tròn tất cả. Sau những giờ giảng trên lớp với học trò, chị lại về tròn vai với gia đình rồi sau đó ngồi vào bàn viết. Từng trang viết là nơi được chị trải lòng với những cảm xúc thật, không gượng ép. Những tác phẩm nối tiếp nhau ra đời, lúc nào cũng bình dị, chân phương như bản chất của con người, như bút danh Lý Bông Dừa của chị./.

Minh Hoàng Phúc

Phát huy hiệu quả thiết chế văn hoá sau sáp nhập xã

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, nhiều trụ sở, trong đó có Trung tâm Văn hoá - Thể thao, trở nên dôi dư. Song, các địa phương đã linh hoạt tận dụng, phát huy hiệu quả các thiết chế này nhằm tránh lãng phí tài sản công và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của người dân.

Lan toả đam mê

Chị Ðặng Thị Thanh Mai không nhớ rõ mình bén duyên với nhiếp ảnh từ khi nào. Chỉ nhớ cách đây hơn 10 năm, lúc chưa nghỉ hưu, nhưng vì mê dịch chuyển đó đây, nên tranh thủ ngày cuối tuần, ngày phép... cứ có dịp là chị lại thu xếp thực hiện nhiều chuyến đi.

Gìn giữ con chữ, vun bồi bản sắc

Cộng đồng người Hoa tại Cà Mau, luôn quan tâm giữ gìn, lưu truyền chữ viết của dân tộc và duy trì thường xuyên các lớp giảng dạy, với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Những lớp học ấy không chỉ là nơi truyền dạy ngôn ngữ, mà còn là cầu nối thế hệ, vun bồi bản sắc, văn hóa của một cộng đồng giàu truyền thống.

Khi sắc màu dẫn lối

Tay máy nữ Nguyễn Bích Thu hiện sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ðam mê nhiếp ảnh từ năm 2020, tuy không sinh hoạt chính quy ở tổ chức nào, nhưng tình yêu dành cho nhiếp ảnh trong chị luôn được nuôi dưỡng, vun đắp, duy trì qua rất nhiều những chuyến đi kết hợp giữa sáng tác nhiếp ảnh và du lịch trải nghiệm. Ngoài chủ đề yêu thích nhất là ảnh phong cảnh, chị cũng thích chụp ảnh chân dung, đời thường và nhiều chủ đề khác theo phong trào của anh em nhiếp ảnh tại TP Hồ Chí Minh.

Bác Ba Phi kể chuyện miệt rừng giờ đã thành miệt ước mơ

“Mấy chú ơi, đừng tưởng tui già rồi không biết thời cuộc nhen. Ừ thì tóc rụng, răng rụng, chớ tai mắt còn thính lắm. Tui nghe người ta nói Cà Mau giờ không còn là cái chấm cuối bản đồ nữa đâu nghen. Mà là chấm khởi đầu cho giấc mơ mới đó. Tui nghe mấy ổng gọi là... Cà Mau mới! Mới là phải rồi, vì mình đâu có như hồi xưa nữa!”.

Cà Mau: Đoàn kết phát triển - vững bước tương lai

Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau với chủ đề: “Cà Mau: Đoàn kết phát triển - Vững bước tương lai” được truyền hình trực tiếp trên sóng Báo và Đài Phát thanh, truyền hình Cà Mau (CTV), Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu (BTV) và trên các nền tảng công nghệ số.

Tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện hợp nhất hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu

Tối 29/6, tại Quảng trường đường Trần Hưng Đạo (Phường 5, TP Cà Mau), Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức tổng duyệt chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.

Khi Bác Ba Phi gặp Công tử Bạc Liêu

Trong một buổi trò chuyện ở xứ Cà Mau, khi bàn về hình ảnh biểu tượng cho sự hợp nhất giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, một bác nông dân cười hóm hỉnh: “Thì để bác Ba Phi gặp Công tử Bạc Liêu thử coi!”.

Ðậm tình với đất quê

Sinh ra và lớn lên ở Xứ Thanh, tác giả Hiệp Sơn (Phan Trung Sơn), Phó ban Nhiếp ảnh (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hoá), gắn bó máu thịt với quê hương, cả trong đời sống và sáng tác.

Bạc Liêu đến thấy yêu, xa thấy nhớ

Chẳng có cảnh sắc hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng như nhiều nơi, vùng đất Bạc Liêu với những “đặc sản” là tính cách mến khách, nghĩa tình, những nét văn hóa không pha lẫn đã nhẹ nhàng gieo vào lòng du khách những tình cảm đặc biệt.