Hiện tại, Lịch sử luôn nằm là môn ít được lựa chọn nhất trong các kỳ thi THPT quốc gia. Cà Mau đã in thành sách cuốn “Lịch sử địa phương Cà Mau” và cuốn “Ðịa lý địa phương Cà Mau” của NGND.TS Thái Văn Long, kèm theo đó là một số cuốn sách địa chí xuất bản từ lâu. Riêng bộ Ðịa chí Cà Mau - Tài liệu chính thống của tỉnh nhà được biên soạn từ những năm 2000 đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Hiện tại, Lịch sử luôn là môn ít được lựa chọn nhất trong các kỳ thi THPT quốc gia. Cà Mau đã in thành sách cuốn “Lịch sử địa phương Cà Mau” và cuốn “Ðịa lý địa phương Cà Mau” của NGND.TS Thái Văn Long, kèm theo đó là một số cuốn sách địa chí xuất bản từ lâu. Riêng bộ Ðịa chí Cà Mau - Tài liệu chính thống của tỉnh nhà được biên soạn từ những năm 2000 đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Năm 2016, chỉ có hơn 2.600/7.700 thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Sử. Ông Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Môn Lịch sử đang bị xã hội và cả chính những thầy, cô giáo dạy sử chưa thật sự quan tâm”.
Năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Mai - ngôi trường mang tên Anh hùng LLVT Nhân dân, Nhà báo Liệt sĩ. |
Ðiều này nằm trong guồng quay chung của nền giáo dục cả nước: môn Sử trở thành môn học ít thu hút, ít người lựa chọn và dần bị đánh giá sai lệch về tầm quan trọng. Ông Cường chia sẻ: “Bây giờ ít người theo học vì học ngành này ra trường rất khó xin việc. Hơn nữa, việc dạy và học Sử trở nên khô khan, thiếu hấp dẫn, chủ yếu là để đối phó thi cử, vị thế của môn Sử đã bị hạ xuống từ chính trong những ngôi trường, những người dạy Sử”.
Thế nên mảng sử địa phương - những hiểu biết về nguồn cội, quá trình hình thành, phát triển, những mốc son, những con người kiệt xuất của nơi mình sinh ra, lớn lên bị xem nhẹ là điều khó tránh khỏi. Toàn tỉnh Cà Mau có 547 trường học, thì hầu hết tên của các trường gắn liền với những anh hùng, những địa danh lịch sử. Một việc mà các trường làm được đó là giới thiệu cho học sinh biết sơ lược về địa danh lịch sử hoặc tiểu sử mà ngôi trường mang tên, còn lại những kiến thức về vùng đất, con người và lịch sử của Cà Mau đều chưa được giảng dạy có hệ thống.
“Người Cà Mau biết rất mơ hồ về chính mảnh đất, con người của Cà Mau là một thực tế rất đáng suy ngẫm”, ông Nguyễn Thế Cường chia sẻ. Có một điều dễ nhận thấy, Sử địa phương gần như đã bị bỏ quên ở các trường học tại Cà Mau. Cà Mau thiếu những công trình, đầu sách Khoa học Lịch sử chất lượng của địa phương, thiếu đội ngũ những giáo viên tâm huyết với Lịch sử và không thể trách học sinh, thế hệ trẻ dần nguội lạnh và thiếu hiểu biết về lĩnh vực này.
Nhà giáo Mã Thị Xuân Thu, một giáo viên gắn bó và tâm huyết trọn đời với môn Sử đã rơi nước mắt khi bàn về sự quan tâm của người dạy Sử với môn Sử. Cô Thu cho rằng: “Phải đặt môn Sử ngang hàng với các môn học khác”. Ðiều cốt lõi là xã hội, ngành giáo dục phải có cơ chế tác động để môn Sử thật sự được quan tâm đúng mức. Người dạy Sử phải truyền được tình yêu, niềm đam mê, có những hình thức phong phú, linh hoạt để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Người dạy Sử phải “không hổ thẹn với lương tâm người thầy và dư luận xã hội về chất lượng sản phẩm của mình tạo ra”, cô Thu nhấn mạnh.
Thạc sĩ Nguyễn Rô Be, Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau thì cho rằng: “Không nên đặt vấn đề xây dựng một khoá trình hoặc sách riêng lẻ về lịch sử địa phương mà nên tổ chức một số tiết học riêng phản ánh nét đặc sắc của địa phương. Lồng ghép sử địa phương với tiến trình lịch sử dân tộc và liên hệ các sự kiện, nhân vật… của địa phương với toàn cục của lịch sử dân tộc”. Cốt lõi vấn đề là để học sinh thích thú tìm hiểu, chủ động thảo luận và tiếp nhận kiến thức sử địa phương. Tựu chung lại vẫn là vấn đề về phương pháp giảng dạy.
Theo ông Nguyễn Thế Cường, tỉnh Cà Mau cần tổ chức thường xuyên những hội thảo khoa học hoặc các hội nghị chuyên đề về Lịch sử nhằm bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên, cho người làm sử và góp phần thay đổi nhận thức xã hội. Phải có cơ chế để quan tâm, động viên những giáo viên, học sinh có thành tích và có niềm đam mê với môn Khoa học Lịch sử, vinh danh xứng đáng những cá nhân tiêu biểu. Cà Mau cũng nên có những cuộc thi xứng tầm của lĩnh vực Lịch sử, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng./.
Ngày 15/6 vừa qua, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh phối hợp với Sở GD&ÐT và Hội Cựu Giáo chức Cà Mau tổ chức hội thảo “Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử Việt Nam trong chương trình phổ thông hiện nay”. Hội thảo đã có trên 40 bài tham luận. Ðây đều là những bài viết của các nhà giáo kỳ cựu, những người nghiên cứu lịch sử có uy tín tại Cà Mau. Nhiều bài viết đã bàn sâu và đề xuất những giải pháp để đưa sử địa phương vào các trường học phổ thông tại Cà Mau. Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ÐT rất ủng hộ vấn đề trên. Tuy nhiên, để nâng vị thế và sự quan tâm của xã hội đối với môn Sử nói chung, sử địa phương Cà Mau nói riêng vẫn còn chặng đường hết sức gian nan. |
Bài và ảnh: Phạm Nguyên