Là giáo viên nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn, từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trực tiếp bồi dưỡng cho nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Mạnh Thắng, giáo viên Trường THPT Thới Bình, cho biết: “Hứng thú học tập là một trong những yếu tố quyết định kết quả học tập của học sinh. Do vậy, điều quan trọng đối với giáo viên phải tạo được hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ dạy”.
Là giáo viên nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn, từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trực tiếp bồi dưỡng cho nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Mạnh Thắng, giáo viên Trường THPT Thới Bình, cho biết: “Hứng thú học tập là một trong những yếu tố quyết định kết quả học tập của học sinh. Do vậy, điều quan trọng đối với giáo viên phải tạo được hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ dạy”.
Theo thầy Thắng, một trong những biện pháp quan trọng để tạo hứng thú cho học sinh trong giờ Văn là sử dụng hình ảnh, âm thanh, trò chơi. Những công cụ hỗ trợ này chẳng những làm cho giờ học thêm sinh động, hấp dẫn, cuốn hút được sự chú ý của học sinh mà còn giúp học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với các hình tượng văn học. Trực quan sinh động khiến các em cảm thấy việc tái hiện các hình tượng văn học không khó khăn như trước, chất lượng giờ học theo đó sẽ cao hơn.
Có rất nhiều loại hình ảnh giáo viên có thể sử dụng trong những giờ dạy như: tranh ảnh, những bức tranh minh hoạ cho 1 tác phẩm văn học nào đó, cũng có thể là những bức phác thảo, ảnh chân dung 1 tác giả hoặc là những bức ảnh được chụp từ hiện thực đời sống… Băng đĩa là những đoạn phim, những tư liệu động liên quan đến 1 tác giả, 1 tác phẩm văn học; hay những bài hát, bài ngâm thơ nào đó…
Kỹ năng sử dụng hình ảnh là hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng của giờ học văn. Chia sẻ về vấn đề này, thầy Thắng cho biết: Ðặc trưng của văn học là tính hình tượng (phản ánh cuộc sống qua hình tượng nghệ thuật) nên không thể có 1 hình ảnh có sẵn nào để phản ánh đúng, đủ nội dung của 1 tác phẩm (trừ hình ảnh chân dung tác giả) mà tất cả chỉ mang tính minh hoạ. Do đó, việc sử dụng hình ảnh trong giờ dạy Ngữ văn hết sức phong phú. Tuy nhiên, cũng không nên vì thế mà ta lạm dụng sử dụng hình ảnh quá nhiều trong 1 giờ học, chỉ nên sử dụng khi cần hướng dẫn học sinh cảm nhận, phân tích, tưởng tượng 1 đoạn thơ, đoạn văn, hoặc nội dung quan trọng của bài.
Có nhiều hình thức sử dụng hình ảnh trong giờ dạy học Ngữ văn, tuỳ vào điều kiện thực tế, bài học, cơ sở vật chất của đơn vị. Chẳng hạn, khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu về nghệ thuật so sánh nhưng không có từ so sánh ở dòng thơ “những tiếng đàn bọt nước” (Ðàn ghi-ta của Lorca - Ngữ văn 12), bên cạnh việc đặt câu hỏi: Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng ở dòng thơ trên? Ý nghĩa? Giáo viên trình chiếu vài hình ảnh về “bọt nước”. Nhìn vào hình ảnh “bọt nước”, học sinh dễ dàng trả lời được ý nghĩa của hình ảnh so sánh là: đẹp, tròn trịa, mỏng manh,…
Nếu hình ảnh giúp học sinh dễ dàng chiếm lĩnh tri thức thì âm thanh, trò chơi giúp các em khắc sâu được kiến thức. Thầy Thắng chia sẻ: Tuỳ vào bài học, ở một số tiết, giáo viên có thể sử dụng âm thanh (bản nhạc, bản ngâm thơ, clip...) liên quan đến nội dung bài học giúp học sinh khắc sau hơn kiến thức nhất là về nhịp điệu, nhạc tính của những tác phẩm trữ tình. Ngoài ra, ở phần củng cố bài học, có thể sử dụng trò chơi tìm ô chữ với những hình ảnh minh hoạ, âm thanh sinh động. Những đáp án của từng ô chữ là nội dung chính cần ghi nhớ. Qua đó, học sinh dễ dàng nhớ nội dung chính của bài học hơn.
Với kinh nghiệm trong giảng dạy nêu trên, thầy Nguyễn Mạnh Thắng đã tạo nên những tiết dạy sinh động, tạo được hứng thú học tập cho học sinh, qua đó bồi dưỡng cho các em tình yêu văn học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn ở trường phổ thông./.
Ðặng Nghiệp