Bên trong tường rào, khung sắt nghiêm ngặt của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh và Cơ sở Cai nghiện ma tuý (xã Khánh An, huyện U Minh) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có gần 200 cán bộ, viên chức, người lao động đang từng ngày thầm lặng chữa lành vết thương tâm hồn cho những đối tượng kém may mắn và lầm đường lạc lối, thắp lên cho họ niềm tin, hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp.
Ðặt chữ tâm lên hàng đầu
Chúng tôi đến Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh ngay lúc mọi người đang chuẩn bị cơm chiều cho các đối tượng. Tại phòng bếp, xôn xao tiếng nói cười cùng âm thanh xào nấu, chùi rửa xoong chảo... Công việc được các anh, các chị thực hiện nhanh nhẹn như những đầu bếp chuyên nghiệp, song hỏi ra mới biết, họ đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học những chuyên ngành khác nhau và trước đây có người chưa từng nấu ăn.
Tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh, mọi người ở Khoa Dinh dưỡng phải có mặt từ 5 giờ sáng cho đến chiều muộn để nấu ăn, dọn dẹp.
Tốt nghiệp Ðại học Luật, anh Phạm Bá Ðại không nghĩ mình lại trở thành đầu bếp chính của Khoa Dinh dưỡng. Nhà ở xã Tân Lộc (huyện Thới Bình), hằng ngày anh đi về quãng đường hơn 60 km, vậy mà suốt 8 năm qua, anh luôn thầm lặng chăm chút từng miếng ăn, thức uống cho người bệnh.
Anh Ðại bộc bạch: “Tất nhiên là không tránh khỏi sự gièm pha rằng học cho lắm cũng chỉ nấu ăn, nhưng tôi nghĩ, nghề chọn mình thì phải nỗ lực làm tốt. Lúc đầu tôi cũng rất khó chịu khi bị các đối tượng quát nạt, nhưng khi hiểu ra đó chỉ là hành động vô thức của họ, nên không còn để tâm. Anh em chúng tôi còn thường nói đùa với nhau, hôm nào không nghe chửi là ăn cơm không vô. Thương là các đối tượng bệnh nhẹ xem mình như người thân của họ, cứ đến buổi là đến bếp phụ giúp nhiệt tình”.
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần hiện quản lý, chăm sóc, điều trị 431 đối tượng tâm thần, trong đó có 40 trường hợp bệnh nặng, già yếu. Ðể kịp phân phát cơm đến các đối tượng, mọi người ở Khoa Dinh dưỡng phải có mặt từ 5 giờ sáng cho đến chiều muộn, để nấu ăn, rửa dẹp 2 buổi trưa - chiều. Trong Trung tâm có người ăn chay trường, người bệnh phong, tiểu đường, tim mạch..., vì thế hằng ngày khoa phải đánh giá dinh dưỡng, đưa ra thực đơn sao cho phù hợp theo từng độ tuổi, sức khoẻ.
Đối với những người làm nghề công tác xã hội, công việc hằng ngày không tính bằng thời gian, thể hiện giá trị nhân văn, tình người cao đẹp.
Nhiều trường hợp già yếu không tự ăn uống được, mọi hoạt động, vệ sinh cá nhân đều được lực lượng Trung tâm tận tình chăm sóc. Rồi những ca trực đêm vất vả, họ đi từng khu nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc, ngủ đúng giờ, theo dõi sát, không để bệnh nhân thực hiện hành vi ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng. Việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, huống chi là trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân bị tổn thương về thần kinh, tâm thần, khó khăn càng nhân đôi, nhân ba. Nhưng những cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu, đồng cảm, sẻ chia từng cảnh ngộ.
Cùng với nuôi dưỡng, trị liệu, Trung tâm còn chăm lo người bệnh những ngày cuối đời. Chị Trương Thị Quỳnh Diễm, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, tâm tình: “Già - bệnh - tử không thể tránh khỏi. Trước đây khi bệnh nhân qua đời, thi thể để luôn trong phòng, chờ làm thủ tục đi thiêu, điều này làm cho những người ở chung sợ hãi. Trăn trở, xót xa bao năm, tôi đề xuất Ban giám đốc và đứng ra vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng Nhà quàn hơn 200 triệu đồng, hoàn thành năm rồi. Nơi đây có gian thờ đàng hoàng, người ra đi có mái nhà chung ấm áp”.
"Nghệ thuật" giáo dục, cảm hoá
Xác định người nghiện ma tuý là người bệnh, Cơ sở Cai nghiện ma tuý (Cơ sở) luôn lấy học viên làm đối tượng trung tâm để tổ chức các hoạt động, lấy hiệu quả điều trị cai nghiện làm mục tiêu hướng đến. Hiện Cơ sở quản lý 400 học viên. Khi đến đây, tất cả học viên được điều trị cai nghiện, chăm sóc sức khoẻ, tư vấn tâm lý, tư vấn hướng nghiệp, giáo dục về hành vi, nhân cách, tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao... hướng đến những điều tích cực, nỗ lực điều trị.
Bệnh nhân tập luyện phục hồi chức năng.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp không hợp tác điều trị cắt cơn, tính tình nóng nảy, manh động, đập phá phòng ở, tự huỷ hoại thân thể, chống đối cán bộ quản lý... Vì thế, công việc của cán bộ, viên chức, người lao động ở đây nhiều áp lực và khó tránh nguy hiểm.
Thâm niên 22 năm công tác tại Cơ sở, anh Nguyễn Văn Giáp, Trưởng phòng Tư vấn giáo dục - Lao động dạy nghề - Hoà nhập cộng đồng, nhớ lại: “Sau khi xuất ngũ, tôi được giới thiệu làm nhiệm vụ bảo vệ tại đây, mỗi lần chứng kiến đối tượng gây rối, tôi rất sợ và có ý định thôi việc. Nhưng nghĩ lại, đối tượng đưa vào đây đều là gánh nặng của gia đình, thành phần bất hảo của xã hội, nếu bị bỏ rơi, họ rất dễ đi vào ngõ cụt, càng sa đoạ hơn. Bằng sự cảm thông, chia sẻ, tôi dần thích nghi và làm tốt công việc được giao”.
Nắm chặt tình hình học viên, anh Nguyễn Văn Giáp đề xuất những ngành nghề phù hợp dạy cho học viên như: may, điện cơ, hớt tóc, chăm sóc cây kiểng, đan đát, làm mi giả..., đồng thời tổ chức lao động trị liệu, giúp học viên nhận thức được lỗi lầm, tác hại của ma tuý, thấy được giá trị của sức lao động. Từ đó, học viên biết chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ nhau, cùng học tập, rèn luyện, quyết tâm rời xa ma tuý.
Đối với những người làm nghề công tác xã hội, công việc hằng ngày không tính bằng thời gian, thể hiện giá trị nhân văn, tình người cao đẹp.
“Ðể giáo dục, cảm hoá được đối tượng, đội ngũ làm nghề này phải thật sự tâm huyết. Ngoài làm tròn trách nhiệm còn phải có tâm và “nghệ thuật”: khi là cán bộ thì nghiêm khắc; khi là người cha, người chú thì phải nhẹ nhàng phân tích, khuyên nhủ; khi là bạn bè thì biết tâm sự, sẻ chia, nắm bắt tâm lý và có giải pháp giáo dục, cảm hoá phù hợp”, anh Giáp chia sẻ.
"Niềm vui lớn nhất của người làm công việc này là gì?", tôi hỏi. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó giám đốc, cười hiền: "Ðó là khi thấy học viên trở về cộng đồng, có việc làm, cuộc sống ổn định, và xót xa biết mấy khi thấy các em quay lại nơi này!".
Ðối với những người làm nghề công tác xã hội như họ, công việc hằng ngày không tính bằng thời gian 8 tiếng, 12 tiếng, mà là giá trị nhân văn, tình người cao đẹp, mong hướng tới xã hội ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc./.
Mộng Thường