(CMO) Công tác dân vận có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z (ngày 15/10/1949) nhưng những tâm huyết, những tư tưởng quý báu về công tác dân vận của Người cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong bài báo “Dân vận”, Hồ Chí Minh đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”.
Về phương pháp, phương châm dân vận, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Ðiểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
Tranh: LÝ KIỀU LOAN |
Hồ Chí Minh cho rằng, dân vận là phải có kết quả “làm cho kỳ được” chứ không phải “vận được thì tốt, vận không được cũng mặc”. Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Như vậy, theo Người, thực hiện công tác dân vận phải thực hiện theo phương châm đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, phải hăng hái, nhiệt tình và gần như phải huy động nhiều khả năng của bản thân như suy nghĩ, quan sát, nắm thông tin, phải siêng năng đi làm nhiệm vụ, phải xuống cơ sở... Phải bỏ ra nhiều công sức và bằng những việc làm cụ thể thì dân mới tin và làm theo. “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Người viết.
Về chủ thể thực hiện công tác dân vận, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức Nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Theo Người, công tác dân vận cần phải phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân cùng làm một nhiệm vụ.
Về công tác nhân sự, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải chọn người giỏi và phải chăm bồi, giúp đỡ thường xuyên đối với cán bộ dân vận: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ... Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Ðó là sai lầm rất to, rất có hại”.
Công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, trong Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 13/7/2022 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, nêu rõ công tác dân vận vẫn còn nhiều hạn chế, như: việc nắm những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và trách nhiệm của Nhân dân để báo cáo, tham mưu, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền có việc chưa kịp thời; công tác vận động Nhân dân trong hoạt động quản lý của chính quyền có nơi còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nhận thức về công tác dân vận và thực hiện công tác dân vận có mặt còn hạn chế (công tác sơ kết, tổng kết, triển khai việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Ðảng về công tác dân vận từng lúc còn chậm, còn mang tính hình thức). Công tác dân vận chính quyền một số nơi làm chưa tốt; cán bộ, công chức thi hành công vụ còn máy móc, ít tuyên truyền, giải thích, thiếu linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước… còn nặng hình thức; một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên còn gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp. Nội dung, phương thức công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa thật sự thiết thực, hiệu quả; chưa phát huy tốt sức mạnh của Nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác dân vận của chính quyền chưa có nhiều đổi mới, việc nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác dân vận còn ít chú trọng.
Nguyên nhân hạn chế là do một số cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của công tác dân vận. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận và chưa thật sự phát huy tính tiên phong, gương mẫu. Sự phối hợp công tác dân vận trong hệ thống chính trị chưa thường xuyên; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác dân vận; chất lượng tham mưu, phối hợp có lúc chưa kịp thời. Sự hiểu biết về chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một bộ phận Nhân dân còn hạn chế.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội tác động ngày càng đa dạng, đa chiều. Các thế lực thù địch, phần tử xấu chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt. Những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; mặt trái của cơ chế thị trường; tình trạng phân hoá giàu nghèo giữa nông thôn - thành thị; biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh, vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động đến tư tưởng, tình cảm, cuộc sống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đang là những thách thức đối với công tác dân vận. Từ thực tiễn trên, đòi hỏi cần phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới.
Ðể thực hiện tốt hơn công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cần tuyên truyền, vận động Nhân dân học tập theo cách trình bày của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước tiên phải nêu được vị trí của người dân, để người dân hiểu trách nhiệm nhưng cũng phải rõ quyền của họ, xem đây là bước quan trọng không thể thiếu để người dân thông suốt tư tưởng, hăng hái. Và khi người dân đã hiểu được vị trí, quyền, trách nhiệm của họ thì mới nên tuyên truyền, vận động người dân những vấn đề cụ thể.
Cần quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào”, vì vậy công tác dân vận cần phải tăng cường hình thức trực tiếp, cử cán bộ làm công tác dân vận kịp thời, thường xuyên nắm bắt, tiếp nhận ý kiến của người dân, phải đến từng nơi, từng nhà, từng người, tránh trường hợp làm qua loa đại khái, nặng hình thức.
Bên cạnh đó, cần triển khai sâu rộng đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về chủ thể thực hiện dân vận là “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức Nhân dân”. Quyết định 23-QÐ/TW năm 2021 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị do Ban Chấp hành Trung ương ban hành cũng đã xác định quan điểm: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Ðảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”. Vì vậy, để thực hiện tốt nội dung này cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền đến từng cán bộ, công chức, viên chức, định hướng, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cần kết hợp thực hiện công tác dân vận.
Cần học tập và vận dụng, thực hiện tốt nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phương châm dân vận là: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Vì vậy, cần có những mô hình phát huy sức mạnh của dân, mỗi ấp, khóm nên chọn ra những đại diện tiêu biểu từ các gia đình, có chính sách khen thưởng, động viên để những người dân gương mẫu có thể phát biểu ý kiến, thu thập ý kiến và góp phần vận động những hộ dân khác thực hiện những nhiệm vụ chung của địa phương.
Cần học tập và vận dụng, thực hiện tốt nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ làm công tác dân vận. Vì vậy, cần thực hiện tốt công tác tuyển chọn, bố trí những người giỏi, có tâm huyết, có khả năng dân vận đảm nhận các nhiệm vụ nòng cốt, đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao khả năng dân vận cho họ. Ðối với những người cán bộ, công chức, viên chức không chuyên làm nhiệm vụ dân vận, cần thường xuyên quan tâm, mở thêm nhiều lớp tập huấn hàng năm nhằm giúp họ nâng cao kỹ năng dân vận để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý chuyên môn, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ dân vận, góp phần vào thành công chung của công tác này./.
Nguyễn Thị Lắm