Ở Cà Mau, theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về an toàn giao thông được lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chức năng tổ chức triển khai quán triệt, thực hiện khá tốt tới các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và Nhân dân. Nhờ đó, những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều tiến bộ, ngày càng chuyển biến tốt hơn.
Từ tập trung tuyên truyền nhận thức của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đến kiểm tra thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng chuyên môn; từ việc quy hoạch đầu tư xây dựng lộ đến nâng cấp chỉnh trang vỉa hè, giặm vá đường; từ quản lý hoạt động quảng cáo qua bảng hiệu, pa-nô, áp phích, bảng vẽ quảng cáo, đến việc sinh hoạt ở các trung tâm tụ điểm văn hoá... đều tập trung bồi dưỡng, bổ sung nâng cao nhận thức về văn hoá giao thông cho mọi người khi tham gia giao thông... Tất cả đều nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho mọi người khi tham gia giao thông. Ảnh: VŨ TRÂN |
Tuy nhiên, lấy mốc 5 năm gần đây, dù Ðảng bộ, chính quyền các cấp và Nhân dân Cà Mau làm quyết liệt, hết sức mình nhưng tai nạn giao thông vẫn giảm chậm, thậm chí có tiêu chí và nhiều nơi còn gia tăng. Nhận định này sẽ rõ hơn nếu chúng ta so sánh tai nạn giao thông xảy ra ở Cà Mau từ năm 2010-2016.
Năm 2010, số vụ xảy ra trên địa bàn Cà Mau là 43 vụ, làm bị thương 50 người, chết 27 người. Năm 2011, có 64 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 65 người, chết 38 người. Năm 2015 xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 83 người, chết 23 người. Năm 2016 xảy ra 81 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 105 người, chết 43 người. (Nguồn các số liệu trên theo báo cáo của UBND tỉnh).
Một số địa bàn, nhất là ở nông thôn, người dân tham gia giao thông thường bị lỗi hoặc còn nhiều hành vi vi phạm pháp luật giao thông như: không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát xử lý ở những đoạn đường quanh co, uốn khúc. Thực trạng này một phần do lòng đường nhỏ hẹp, nhiều ổ gà, dợn sóng, thường bị đọng nước vào mùa mưa, hư hỏng, xuống cấp, không kịp thời sửa chữa; một số cầu đấu nối với đường nôn, dốc, một số co, quẹo bị che khuất, ảnh hưởng tầm nhìn...
Những tình huống trên luôn là mối nguy tiềm ẩn đối với người tham gia giao thông ở nông thôn nên thường xảy ra tai nạn, va quẹt, gây hậu quả cho người và phương tiện, tài sản của công dân...
Ở đô thị, nhiều hoạt động xây dựng, sản xuất kinh doanh, mua bán, quảng cáo gây mất an toàn giao thông như: xây dựng công trình ở địa bàn chật hẹp lại để sắt, cát, đá, gạch, những vật liệu cũ ra đường, vừa cản trở giao thông, vừa dễ xảy ra tai nạn; rất nhiều bảng quảng cáo, rào chắn... che khuất tầm nhìn, lối đi, dễ xảy ra tai nạn, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông; có nơi bày bán hàng hoá, xe cộ lấn chiếm lòng đường...
Hình ảnh khó coi này thường thấy ở chợ đêm đường Quang Trung, Phường 5, TP Cà Mau (khoảng giữa cầu cũ và cầu mới). Không hiểu thế nào mà cả công viên rộng ở bờ sông lại không sử dụng mà các ki-ốt chợ đêm cứ chiếm lòng đường, tạo ra nhiều tình huống phức tạp (nhất là những ngày lễ, Tết, thứ Bảy và Chủ nhật) với người đi bộ mua sắm, cùng xe mô-tô, ô-tô, đặc biệt là xe tải... có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Từ những bất cập trên, với tư cách là người quan sát và tham gia giao thông, thiết nghĩ chúng ta hoàn toàn có giải pháp khắc phục.
Các cấp chính quyền cần tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động quản lý đô thị, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, văn hoá trong tham gia giao thông, chấp hành nghiêm pháp luật, quy định khi tham gia giao thông, cần có nhiều hành vi ứng xử đẹp, văn minh trong giao thông, giao tiếp.
Ðối với cán bộ, đảng viên, tăng cường học tập, tuyên truyền chủ trương, văn bản, quy định trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội, trật tự an toàn xã hội qua các tổ chức tới các hộ gia đình, khu dân cư như: học tập sinh hoạt ở chi bộ, ban công tác Mặt trận, tổ công tác dân vận ở ấp, khóm, tổ dân phố, tổ an ninh trật tự cũng như sinh hoạt của các chi hội ở nông thôn, đô thị. Tăng cường ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong sinh hoạt nơi cư trú...
Ðối với người dân, cần thường xuyên cập nhật bổ sung kiến thức mới nhằm nâng cao trình độ nhận thức với tinh thần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời ở mỗi công dân với nhiều kênh, ở mọi lúc, mọi nơi... nhằm làm giàu tri thức ở mọi lĩnh vực nói chung và với giao thông nói riêng.
Ðối với ngành chức năng, cần kiên quyết giáo dục, phê phán, khắc phục các vi phạm giao thông, xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, giữ vững kỷ cương pháp luật cùng với việc nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân, đảm bảo dân chủ, công bằng, văn minh của đội ngũ làm công tác giao thông ở miền đất cực Nam của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà./.
Trịnh Minh Thành, nguyên UVBTV Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ