ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 25-5-25 13:14:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tái cấu trúc tín dụng nông thôn

Báo Cà Mau Tái cấu trúc tín dụng nông thôn không chỉ là câu chuyện điều chỉnh dòng vốn, mà là hành trình “cắm rễ” lại cách làm tín dụng từ gốc, nơi người nông dân từng lặng lẽ xoay xở trong việc thiếu vốn, thiếu niềm tin. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, dòng vốn mới đang len lỏi về với người dân vùng sâu, đồng hành trợ lực và tiếp sức niềm tin cho những người muốn vươn lên.

Cánh cửa đã mở

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15, đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 60% tổng dư nợ toàn tỉnh. Ðây là một tỷ trọng lớn, cho thấy vai trò trọng yếu của khu vực tam nông trong chiến lược tín dụng địa phương. Tuy nhiên, ẩn sau con số tích cực ấy là một thực tế không đồng đều: phần lớn nguồn vốn vẫn chủ yếu chảy vào các doanh nghiệp lớn hoặc hộ sản xuất có tài sản thế chấp, trong khi hàng ngàn nông hộ nhỏ lẻ, sản xuất tự phát, thiếu hợp đồng bao tiêu và phương án kinh doanh rõ ràng vẫn bị xếp vào nhóm rủi ro cao. Với họ, việc tiếp cận vốn chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

Không vay được, hoặc vay với hạn mức thấp, quy trình thì phức tạp, điều kiện thiếu linh hoạt, đó từng là rào cản cố hữu đẩy nhiều nông dân ra khỏi “cuộc chơi” tín dụng chính thống. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là từ khi tín dụng theo chuỗi giá trị được triển khai rộng rãi, cánh cửa vốn vay đã dần mở ra, không còn là “khép hờ” như trước.

Trên cánh đồng lúa xã Tân Phú, huyện Thới Bình, ông Nguyễn Văn Trí, thành viên Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến, chia sẻ: “Trước kia làm lúa đầu ra bấp bênh, bán xong chưa đủ trả tiền phân. Giờ vô HTX, được hướng dẫn chọn giống, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản. Rồi có doanh nghiệp bao tiêu nữa nên không còn cảnh bị ép giá giữa mùa như hồi đó”.

Theo ông Trí, bước ngoặt lớn nhất là khi HTX ký kết hợp tác với ngân hàng theo mô hình tín dụng chuỗi giá trị. Nhờ đó, thành viên HTX được hỗ trợ vay vốn dễ dàng, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần có phương án sản xuất khả thi. “Gia đình tôi làm hơn 2 ha lúa, mỗi vụ lời hơn 60 triệu đồng. Có vốn sẵn, đầu ra ổn định, giờ chúng tôi mới dám tính chuyện lâu dài”, ông Trí vui vẻ cho biết.

Không chỉ nông dân trồng lúa, nguồn vốn tín dụng cũng đã trở thành điểm tựa thiết thực cho nhiều phụ nữ nông thôn. Chị Huỳnh Thị Hồng, ngụ Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau, chia sẻ: “Trước đây tôi phải vay vốn bên ngoài, lãi suất cao ngất vì không có gì thế chấp. Giờ được ngân hàng hỗ trợ vay 40 triệu đồng tín chấp, tôi đầu tư cải tạo vuông, thả tôm đúng lúc, kịp vụ nên lời khá. Không chỉ có tiền, tôi còn được tư vấn kỹ thuật nuôi, biết cách kiểm soát đầu ra”.

Câu chuyện của anh Thạch Văn Tình, hộ Khmer ở ấp Hà Phúc Ứng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, cho thấy, nếu có chính sách đúng thì không ai bị bỏ lại phía sau. Xuất phát điểm thiếu thốn đủ đường, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và ngân hàng, từ việc hỗ trợ giống tôm thẻ chân trắng đến tạo điều kiện cho tham gia chương trình tín dụng vi mô, anh Tình đã có được vụ nuôi đầu tiên có lãi. “Có lời rồi thì mới mạnh dạn tái đầu tư, dần ổn định cuộc sống”, anh Tình nói.

Anh Thạch Văn Tình phát triển mô hình lúa - tôm nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ.

Anh Thạch Văn Tình phát triển mô hình lúa - tôm nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ.

Sự thay đổi đáng kể nhất, theo các chuyên gia, đó là nằm ở việc ngân hàng không chỉ cho vay đơn lẻ mà đã chủ động bắt tay với doanh nghiệp và HTX để hình thành các chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Trong mô hình này, nông dân không chỉ tiếp cận vốn mà còn được đồng hành xuyên suốt từ kỹ thuật đến thị trường.

Tại nhiều vùng nuôi tôm của Cà Mau, người dân giờ đã quen với việc đo chất lượng nước bằng thiết bị công nghệ, ghi chép nhật ký điện tử, áp dụng phương pháp nuôi "3 sạch", một chuyển biến chưa từng có nếu chỉ cách đây vài năm. Ngân hàng không còn giữ vai trò người cho vay, mà đang trở thành đối tác phát triển.

Tín dụng nông thôn ngày nay vì thế không còn là câu chuyện vay vốn đơn giản, mà là một sự liên kết toàn diện giữa 3 trụ cột: ngân hàng - doanh nghiệp - nông dân. Mỗi bên đóng vai trò thiết yếu trong một chuỗi giá trị bền vững.

Nông dân thu hoạch tôm càng xanh đạt năng suất cao nhờ áp dụng mô hình xen canh lúa - tôm.

Nông dân thu hoạch tôm càng xanh đạt năng suất cao nhờ áp dụng mô hình xen canh lúa - tôm.

Ðồng hành lâu dài, tạo dựng niềm tin

Tháng 3/2025, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Ðề án phát triển tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030. Ðề án này không chỉ là một bước đi mang tính chiến lược mà còn mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nền nông nghiệp Việt Nam. Ba trụ cột được xác định rõ ràng: tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức; thúc đẩy chuyển đổi số trong cho vay nông thôn; và phát triển tín dụng theo chuỗi giá trị.

Ðiểm nhấn đáng chú ý là việc thí điểm mô hình cho vay không cần tài sản đảm bảo, dựa trên các tiêu chí linh hoạt hơn nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro: năng lực sản xuất thực tế của người vay, lịch sử tín dụng, hợp đồng bao tiêu đầu ra, đánh giá tín nhiệm cộng đồng thông qua tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, và hệ thống chấm điểm tín dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại Cà Mau, định hướng này đang dần được hiện thực hoá qua các mô hình cụ thể. HTX Minh Duy là một ví dụ tiêu biểu. HTX này đang xây dựng chuỗi liên kết với một doanh nghiệp logistic, cam kết bao tiêu 100% sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Ðể đồng hành, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân rà soát thành viên HTX, đánh giá uy tín, năng lực sản xuất để thiết kế gói vay phù hợp với nhu cầu và năng lực từng hộ.

Ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Chúng tôi xác định tín dụng nông thôn không còn là câu chuyện cho vay thuần tuý, mà phải là một giải pháp tổng thể. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các HTX và doanh nghiệp bao tiêu để thiết kế từng gói tín dụng theo chuỗi giá trị. Việc tái cấu trúc tín dụng ở Cà Mau là cơ hội để chúng tôi “cắm rễ” sâu hơn vào nông thôn, bằng niềm tin và bằng công nghệ”.

Tại xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, nổi tiếng với mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi sò huyết trong vuông tôm, tổ vay vốn của Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang thí điểm hình thức mới: đăng ký vay vốn trực tuyến qua ứng dụng điện thoại. Sự đổi mới này không chỉ giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ mà còn góp phần minh bạch hoá quy trình và nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho người dân ở vùng sâu.

Theo ông Mạch Quốc Phong, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) Chi nhánh Cà Mau: “Với ngân hàng, tái cấu trúc tín dụng không chỉ là đưa vốn đến tay người dân, mà là cả quá trình đồng hành lâu dài, thông qua tổ tiết kiệm, tổ hội viên và mạng lưới cán bộ tín dụng thường xuyên bám sát địa bàn”.

Sự chuyển mình trong tư duy và cách làm của hệ thống ngân hàng chính sách, cùng với sự kết nối chặt chẽ giữa chính quyền, tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp, đã và đang mang lại những thay đổi căn bản cho tín dụng nông thôn ở địa phương. Ở đây, mỗi dòng vốn ngoài mang giá trị tài chính còn chứa đựng một sự gửi gắm về niềm tin, sự đồng hành và khát vọng đổi đời của hàng ngàn nông hộ. Từ dòng vốn này, không ít nông dân đã tự tin nghĩ xa hơn, không chỉ là một vụ mùa đủ ăn, mà là những kế hoạch dài hơi, bền vững cho tương lai của cả gia đình./.

 

Hữu Nghĩa - Việt Mỹ