(CMO) Thời gian đầu tư kéo dài, hiệu quả đầu tư chưa cao, một số hạng mục công trình của dự án đầu tư kém hiệu quả gây lãng phí, đời sống người dân còn khó khăn, vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập..., đó là thực tế đang diễn ra tại các dự án tái định cư đã được triển khai thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Với chiều dài bờ biển hơn 254 km, Cà Mau từ lâu đã trở thành điểm đến của bà con có cuộc sống khó khăn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ða phần bà con đến đây chọn vùng ven biển, rừng phòng hộ ven biển làm nơi định cư và mưu sinh dựa vào nguồn tài nguyên từ rừng, từ biển; tạo ra áp lực không nhỏ cho chính quyền địa phương.
Ðể giúp bà con có cuộc sống ổn định, an toàn trước tác động của các hiện tượng thiên tai, thời tiết, năm 2007 tỉnh đã ban hành quyết định quy hoạch tổng thể bố trí, sắp xếp dân cư. Theo đó, mục tiêu đặt ra là bố trí ổn định 35 cụm, tuyến dân cư mới thuộc 8 huyện của tỉnh, với tổng số dân cần được bố trí sắp xếp là 13.873 hộ. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm kể từ khi quyết định được ban hành, đến nay chỉ có 11 dự án tái định cư có chủ trương đầu tư. Trong số dự án có chủ trương đầu tư, hiện tại có 3 dự án hoàn thành, 7 dự án còn dở dang, 1 dự án chưa thực hiện. Tổng số hộ đã bố trí tái định cư khoảng 1.619 hộ, đạt tỷ lệ rất thấp so với con số hơn 13.873 hộ theo mục tiêu ban đầu.
Nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân, tạo thuận lợi để bà con ổn định cuộc sống, định cư và yên tâm sản xuất; di dời những hộ đang sống trong khu vực rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu, những hộ đang sống trên đê biển Tây, hạn chế dần và tiến tới chấm dứt tình trạng dân di cư tự do, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới..., ngày 23/6/2009, UBND tỉnh có Quyết định số 1043/QÐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư công trình khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây, thuộc huyện U Minh. Dự án với quy mô 3 điểm dân cư tại vàm kinh Hương Mai, Tiểu Dừa và Lung Ranh với tổng diện tích 30 ha, đủ sức bố trí 436 hộ.
Ðược triển khai trên diện tích 14 ha, điểm dân cư vàm kênh Hương Mai, Ấp 7, xã Khánh Tiến, được xây dựng từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư khoảng 16,7 tỷ đồng. Sau khi xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng theo thiết kế, đã bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, bố trí dân cư. Theo đó, đã có 240 hộ dân được bố trí tái định cư trong tổng số 240 nền của dự án. Ngoài ra, để thuận tiện cho sinh kế của người dân tái định cư, năm 2020, dự án được bổ sung kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng để triển khai xây dựng sân phơi, bến neo đậu tàu thuyền, đường dẫn tàu thuyền vào bến neo đậu cho phù hợp với yêu cầu thực tế của các hộ dân.
Tận dụng những khu vực còn bỏ trống, người dân khu tái định cư Hương Mai trồng thêm hoa màu để cải thiện cuộc sống. |
Dù vậy, đã qua hơn 10 năm kể từ khi tiến hành tái định cư, đến nay chỉ có 121 hộ trong tổng số 240 hộ đã cất nhà, tức chỉ chiếm 50,4%. Số hộ vào sinh sống ít là nguyên nhân khiến nhiều hạng mục công trình của dự án không phát huy hiệu quả, thậm chí đã xuống cấp. Trong số các hạng mục công trình đã được đầu tư, hiện nay chỉ có đường lộ bê tông còn sử dụng tốt, đảm bảo xe tải chạy qua được và hệ thống điện đang vận hành cấp điện sinh hoạt cho các hộ dân. Còn lại hệ thống đèn chiếu sáng có nhưng không vận hành do không có nguồn trả tiền điện; hệ thống mương cống thoát nước nhiều chỗ bị bể nắp tấm đal, rác lấp đầy chặn dòng chảy nên khi mưa bị ứ ngập nước; hệ thống cấp nước bị hư, không sử dụng được và đã ngừng hoạt động 3 năm nay. Công trình tổ y tế được chuyển đổi công năng sang làm nơi sinh hoạt văn hoá và nơi làm việc của tổ tự quản điểm dân cư. Riêng đối với các nền tái định cư đã cấp nhưng người dân chưa cất nhà, có chung thực trạng cỏ sậy mọc đầy.
Qua tìm hiểu thực tế, đa phần người dân ở đây đều cho rằng sau khi được bố trí nền tái định cư đã giúp họ có nơi ở ổn định, yên tâm hơn trước tác động của thiên tai, thời tiết. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất bà con nơi đây đang gặp phải là không có đất sản xuất, khó tìm việc làm, thu nhập thấp. Ðó cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ đã xây nhà nhưng chỉ người già và trẻ em ở lại, còn lao động chính phải tìm phương kế làm ăn ngoài tỉnh.
Ðiểm dân cư vàm kênh Lung Ranh, xã Khánh Hội cũng chung cảnh ngộ. Sau nhiều lần điều chỉnh bổ sung, đến năm 2014, chủ đầu tư đã triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành 11 hạng mục công trình theo dự án được duyệt và 1 hạng mục bổ sung với tổng số vốn 34,3 tỷ đồng. Cụ thể, san lấp mặt bằng, đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống điện, hệ thống cấp nước, chợ nhà lồng, trường tiểu học, tổ y tế. Sau khi đầu tư hoàn thành các hạng mục công trình theo dự án, chủ đầu tư đã phân lô, cắm mốc 130 nền, bàn giao công trình cho UBND huyện U Minh và UBND xã Khánh Hội để bố trí tái định cư.
Hiện nay, các hạng mục công trình như: đường giao thông, hệ thống lưới điện, hệ thống thoát nước, trường học cơ bản tốt. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước bị hư hỏng do không có nguồn bảo trì sửa chữa, các hộ dân phải tự đầu tư khoan giếng nước hoặc 3-4 hộ sử dụng chung một giếng nước. Hệ thống điện thắp sáng đầu tư còn tốt nhưng không sử dụng vì không có nguồn trả tiền điện; chợ nhà lồng mái tôn không sử dụng, mặt bằng nền san lấp của toàn dự án bị lún, nên cao trình hiện tại thấp, khi mưa thì bị ngập.
Riêng đối với đời sống người dân, khu tái định cư ra đời đã giải quyết nơi ở ổn định cho nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, điểm dân cư này có 71 hộ trong tổng số 130 hộ được bố trí tái định cư đã cất nhà và đang cư trú, một số hộ dân chịu khó làm ăn có thu nhập tương đối tốt. Còn lại 59 hộ chỉ cất nhà tạm giữ đất nhưng không ở, bỏ đi làm ăn xa ngoài tỉnh. Do không ở nên nhiều căn nhà đã hư hỏng, xiêu vẹo, bị cỏ cây lấn át, ảnh hưởng môi trường, cảnh quan điểm dân cư.
Nhiều nhà trong khu tái định cư Hương Mai chủ yếu còn lại người lớn tuổi. |
Tỉnh Cà Mau là nơi có nhiều hộ dân di cư tự do đến sinh sống ngoài rừng phòng hộ xung yếu, ven đê biển, các cửa sông thường xuyên bị sạt lở rất nguy hiểm. Ðồng thời, có khá nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thiếu đất ở, đất sản xuất cần bố trí tái định canh, định cư. Thực tế cho thấy, các hộ vào xây dựng nhà ở trong các khu tái định cư đã có nơi ở an toàn, yên tâm hơn so với trước đây ở ngoài cửa sông, ngoài rừng phòng hộ. Qua đó, hạn chế thiệt hại do thiên tai, con em của họ có điều kiện đi học, giảm thiểu khai thác trái phép rừng phòng hộ, khai thác trái phép thuỷ hải sản ven bờ.
Dù đã đạt được những kết quả đáng trân trọng, tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, hầu hết các khu tái định cư thời gian qua chưa đạt được mục tiêu ban đầu đề án đã đặt ra. Quy hoạch, đầu tư và bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ rất sớm và suốt thời gian dài từ năm 2006 cho đến nay, tuy nhiên, việc tái định cư chỉ đạt 11% tổng thể dự án. Ngoài ra, phần lớn đối tượng tái định cư là hộ nghèo, không đất sản xuất, hộ dân di cư tự do, hộ đồng bào dân tộc, hộ trực tiếp ảnh hưởng thiên tai..., cuộc sống và thu nhập chủ yếu dựa vào tự nhiên. Do vậy, việc sắp xếp tái định cư không đơn thuần chỉ là giúp bà con ổn định nơi ở, sinh hoạt mà còn phải giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi nghề, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng nông thôn mới. Ðây là một thách thức không nhỏ đang đặt ra trong mục tiêu sắp xếp tái định cư thời gian tới của tỉnh./.
Nguyễn Phú