Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 81 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 43 người và bị thương 105 người (tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015). Ngay trong tháng 11, nhiều hoạt động được tổ chức, công tác đảm bảo trật tự ATGT được tăng cường, hướng tới tưởng niệm ngày nạn nhân tử vong do TNGT thì TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp với 11 vụ, làm chết 4 người, bị thương 16 người (tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015).
Nguyên nhân dẫn đến TNGT phần lớn là do ý thức của người điều khiển phương tiện như: tránh, vượt sai quy định, vi phạm phần đường, làn đường, đi đêm không có đèn chiếu sáng, phóng nhanh, vượt ẩu, không chú ý quan sát. Ðáng lo ngại là trường hợp tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Từ đó cho thấy, TNGT không phải do số phận mà do chính con người tạo ra. Nếu chấp hành tốt pháp luật về ATGT, biết giữ khoảng cách an toàn, giữ đúng tốc độ, có ý thức quan sát tốt, nếu tai nạn có xảy ra thì hậu quả không lớn.
Tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Ngọc Cung, Phường 8, TP Cà Mau. |
Cuối năm là thời điểm gia tăng các hoạt động xã hội, trật tự ATGT cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn nên kiềm giảm TNGT thì ý thức con người là trên hết. Nói về ý thức giữ gìn sinh mạng của mình, Ðại đức Thích Phước Nguyên, Uỷ viên Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lý giải theo thuyết nhà Phật về sự quý trọng thân mạng của mình để tham gia giao thông an toàn hơn: “4 điều khó nhất trong một đời người của mỗi chúng ta, đó chính là: thân người thì khó gặp; chân lý thì khó nghe; thời gian thì qua mau; sự nghiệp thì khó thành. Trong 4 điều khó, khó nhất chính là tìm được thân người. Khi được thân người là một phúc đức, nhưng nếu có được thân tướng tốt đẹp thì phúc hậu trang nghiêm trọn vẹn, không có bất cứ khuyết tật nào, đó cũng là một hạnh phúc không gì sánh kịp”.
Theo Ðại đức Thích Phước Nguyên, từ vô lượng kiếp rồi, chúng ta mới may mắn có được thân thể của con người. Khi chúng ta mới chào đời, chúng ta có đầy đủ thân căn, không bị tật nguyền, cha mẹ vui mừng lắm, một con muỗi cắn hay một vết thương nhỏ cha mẹ cũng đau lòng. Khi đã lớn khôn và trưởng thành trong sự gian khổ của cha mẹ sao chúng ta nỡ tàn phá thân thể của mình bằng các tác hại của xã hội, rượu chè bê tha rồi chạy xe lạng lách, quá tốc độ… bất kể thân mạng để rồi gây ra bao hậu quả khôn lường! Mỗi hành động từ thân, miệng, ý của chúng ta khởi ra là nhân, thì tiếp ngay đó là quả. Người ta khi bước chân ra đường hay đang điều khiển xe gắn máy, ô-tô tham gia giao thông, chấp hành đúng luật giao thông (thân), nói năng nhẹ nhàng, êm ái (miệng), luôn kiểm soát được mọi hành động của mình, đúng luật thì thực hiện, không đúng phải dừng ngay (ý), như vậy sẽ không bao giờ có tai nạn, lúc nào cũng an vui, hạnh phúc.
Còn ngược lại sẽ chịu khổ (tai nạn gây thương tích hoặc mất mạng…). Nói dễ hiểu hơn, thói quen uống rượu thành nghiệp, dẫn đến mất bình tĩnh, sáng suốt (vô ý), thân hành động gây tai nạn (nghiệp). Vì vậy, muốn tránh được tai nạn khi tham gia giao thông, hạn chế tối đa việc tắc đường thì mọi người đều phải học luật giao thông, kể cả các cháu nhỏ chưa đến tuổi điều khiển phương tiện cũng phải học luật giao thông. Song, chỉ có học luật giao thông thì chưa đủ, mà còn phải học đạo đức nhân bản, nhân quả về giao thông. Hành động từ thân, miệng, ý của con người tạo ra gọi là nhân bản, tức là những hành động gốc nơi thân người. Nếu họ hiểu biết đạo đức nhân bản, nhân quả, mọi hành động của họ đều đúng thì không làm khổ mình, khổ người.
Thông thường cha mẹ của chúng ta phải mất đến 30 năm nuôi dưỡng, để tạo nên một đứa con hoàn chỉnh, có đầy đủ tài năng để tạo dựng sự nghiệp, đắp xây hạnh phúc và để cống hiến cho xã hội. Nhưng khi lâm vào hoàn cảnh TNGT thì có khi cha mất con thơ, vợ mất chồng… bao nhiêu ước mơ cho tương lai tươi đẹp bỗng chốc tan tành theo mây khói, thật là đau đớn tột cùng không có gì bù đắp nổi.
Chúng ta phải thật sự tĩnh tâm, không nôn nóng, vội vã, phải thấy rõ mạng sống có giá trị tuyệt đối không có gì so sánh nổi. Phải thấy rõ công lao của cha mẹ là quá to lớn, do vậy phải biết giữ gìn thân mạng của mình để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục. Phải hiểu rõ tôn trọng pháp luật về trật tự ATGT là giữ gìn sinh mạng của mình và của mọi người. “Hãy bỏ qua những lỗi lầm không đáng khi va chạm giao thông. Hãy hít thở thật sâu và tiếp tục tĩnh tâm kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình khi tham gia giao thông vào những thời điểm quá đông người. Hãy nhường đường cho nhau một cách vui vẻ và thân thiện. Hãy chậm rãi và thong thả trên con đường về nhà với gia đình để được đi đến nơi và về đến chốn”, Ðại đức Thích Phước Nguyên khuyên bảo./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha