Sáng ngày 9/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024.
Chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.
Theo đánh giá của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình TTATGT trong năm 2023 về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết, cụ thể giảm 1.285 vụ (-5,5%), giảm 1.922 người chết (-14,18%).
Đặc biệt, nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2023 là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn”, ngành Công an đã ra quân thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm, qua đó đã xử lý 770.374 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04% tổng số vi phạm).
Số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Thường trực về an toàn giao thông của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020. Theo tính toán của WHO, tỷ lệ số người tử vong trên của Việt Nam đã giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).
Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 3,5 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền trên 6.500 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng nhìn nhận công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội; số người bị thương do TNGT còn tăng; vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời; tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn; hành vi chống người thi hành công vụ gia tăng...
Trong năm 2024, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia dự kiến phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu: Tiếp tục kiềm chế và kéo giảm TNGT cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia xác định tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT. Cùng với đó, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm. Kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số...
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu, các lực lượng chức năng tiếp tục kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là đối với những vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng lan toả rộng khắp trong xã hội.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần quan tâm, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay trong đảm bảo TTATGT. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cần nêu gương trong chấp hành pháp luật về TTATGT./.
Văn Đum