Học giỏi kiến thức trong sách vở thôi chưa đủ, làm sao để truyền cho các em niềm đam mê tự tìm tòi, sáng tạo trong cách học, dạy cho các em những kỹ năng sống cơ bản có thể tự bảo vệ mình và thích nghi với môi trường sống xung quanh được dễ dàng, đó là tâm huyết của cô Phạm Phương Sanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D, Trường Tiểu học 1 Trần Văn Thời, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời.
Học giỏi kiến thức trong sách vở thôi chưa đủ, làm sao để truyền cho các em niềm đam mê tự tìm tòi, sáng tạo trong cách học, dạy cho các em những kỹ năng sống cơ bản có thể tự bảo vệ mình và thích nghi với môi trường sống xung quanh được dễ dàng, đó là tâm huyết của cô Phạm Phương Sanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D, Trường Tiểu học 1 Trần Văn Thời, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời.
Người giáo viên tâm huyết này luôn học hỏi cái hay từ đồng nghiệp, qua tài liệu, nắm bắt tâm lý học sinh để mỗi giờ lên lớp là mỗi giờ học tập thật thoải mái, hấp dẫn gây hứng thú đối với các em. “Không phải em nào mình cũng dạy với phương pháp giống nhau. Ví dụ, em này thích môn Toán và có năng khiếu về môn Toán, em khác thích môn tiếng Việt hơn… mình phải hiểu và giúp các em phát huy năng khiếu của mình. Ngoài ra, để quá trình giảng dạy đạt hiệu quả cao, mình phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em. Bên cạnh những em gia đình có điều kiện, còn nhiều em rất thiếu thốn về tình cảm và vật chất, chính vì vậy mình cần tìm hiểu để động viên và giúp các em học tốt hơn”, cô Sanh bộc bạch.
Cô giáo Phạm Phương Sanh luôn tận tuỵ với học sinh. |
Với học trò, cô Sanh như là người chị, người mẹ gần gũi và thân thiết để chia sẻ mọi tâm tư. Em Lê Nhã Ca, học sinh lớp 5D, Trường Tiểu học 1 Trần Văn Thời, cảm nhận: “Cô Sanh gần gũi với chúng em, chỉ bảo tận tình, giảng bài dễ hiểu. Có bạn nào học chưa nắm bài kịp thì cô giảng lại đến khi nào bạn hiểu mới thôi. Em rất yêu quý cô Sanh”.
Chị Nguyễn Kim Ly, ở khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, phụ huynh em Lê Thị Hà My, là học trò cô Sanh chủ nhiệm năm học 2013-2014, nhớ lại: “Cô Sanh dạy con tôi hồi năm lớp 5. Cô dạy nhiệt tình lắm nên cháu học rất khá. Tới giờ này, mặc dù không còn học cô nữa nhưng cháu vẫn thường xuyên đến thăm cô”.
Cô học trò nghèo Phạm Phương Sanh nuôi ước mơ gắn bó với bục giảng ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng thực hiện điều đó gặp muôn vàn trắc trở. Thời điểm cô Sanh tốt nghiệp THPT năm 1990 cũng là lúc cha cô bị bệnh nặng, mẹ thì sức khoẻ vốn đã yếu từ lâu, sau cô Sanh còn 5 đứa em nhỏ. Ước mơ vào đại học tạm gác lại, cô phải nghỉ học đi làm thuê nuôi em. Vất vả mưu sinh, 7 năm sau ngày tốt nghiệp THPT, khi các em cô đã khôn lớn, có công ăn việc làm ổn định và yên bề gia thất, thì cô Sanh yên tâm thực hiện ước mơ của mình. Cô đăng ký học trung cấp sư phạm tại Cà Mau. 2 năm sau, cô tốt nghiệp với tấm bằng loại khá và bắt đầu đi dạy.
Mặc dù mới ra trường nhưng việc đứng lớp không phải mới lắm với cô giáo Phương Sanh, bởi những năm phải nghỉ học ở nhà, cô thường được cha mẹ các em nhỏ trong xóm nhờ dạy kèm cho con mình, hoặc những lúc rảnh rỗi, cô tập trung các em nhỏ trong xóm lại dạy các em viết chữ, làm toán. Từ lợi thế đó, cô mau chóng thích nghi với nghề.
Khi đã đứng vững trên bục giảng, yên bề gia thất, cô Sanh tiếp tục đăng ký học liên thông lên đại học sư phạm và đã tốt nghiệp. Cô được ban giám hiệu nhà trường tín nhiệm phân công làm tổ trưởng tổ chuyên môn.
Năm 2001, cô Sanh đoạt giải Nhì cấp tỉnh về thi viết chữ đẹp; năm học 2007-2008, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cũng trong năm này, cô là 1 trong 5 giáo viên tiêu biểu của tỉnh nhận giải thưởng Võ Trường Toản khu vực ÐBSCL. Năm học 2013-2014, một niềm vui lớn lại đến với cô khi 2 học sinh lớp 5 do cô Sanh chủ nhiệm đoạt giải Nhì Olympic Toán vòng tỉnh.
Cô Nguyễn Thị Muổn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 Trần Văn Thời, nhận xét: “Cô Sanh là giáo viên gương mẫu, thân thiện với các em học sinh và hoà đồng với đồng nghiệp, được đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao về năng lực chuyên môn và lối sống”./.
Bài và ảnh: Kiều Oanh