Đoạn đường từ cống Ðá Bạc đến Trường Tiểu học Ðá Bạc (ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) độ chừng chỉ dài 1 km nhưng có hàng trăm ổ gà, ổ voi, đá lởm chởm, đường vừa ghồ ghề, vừa sình lầy sau những trận mưa. Thế nhưng, mười mấy năm nay con đường này đã trở nên quen thuộc với thầy, cô ở vùng này. Chính ước mong giúp các em học sinh nghèo, còn nhiều thiếu thốn có được cái chữ đã tiếp thêm nghị lực để các thầy, cô vượt qua khó khăn.
Đoạn đường từ cống Ðá Bạc đến Trường Tiểu học Ðá Bạc (ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) độ chừng chỉ dài 1 km nhưng có hàng trăm ổ gà, ổ voi, đá lởm chởm, đường vừa ghồ ghề, vừa sình lầy sau những trận mưa. Thế nhưng, mười mấy năm nay con đường này đã trở nên quen thuộc với thầy, cô ở vùng này. Chính ước mong giúp các em học sinh nghèo, còn nhiều thiếu thốn có được cái chữ đã tiếp thêm nghị lực để các thầy, cô vượt qua khó khăn.
Thầy Lê Chí Thiện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ðá Bạc, nói như phân trần: “Ðây là trường duy nhất trên địa bàn xã chưa có lộ bê-tông về đến trường, vì vậy việc đi lại rất khó khăn. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa sình lầy, trơn trượt nhưng đi riết cũng quen”. 20 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, trải qua nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau, là giáo viên trực tiếp giảng dạy rồi đến cán bộ quản lý, thầy Thiện vẫn tin tưởng rằng: “Lựa chọn nghề giáo năm xưa là quyết định đúng đắn!”.
Cô Lâm Hồng Gấm, Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) với tiết dạy tiếng Việt theo phương pháp mới. |
Thầy kể, mấy chục năm trước, mọi người vẫn hay nói rằng: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Con đường giáo viên là con đường cuối cùng của sự lựa chọn. Nói thế vì thu nhập của giáo viên bấy giờ “bèo lắm”. Nhưng thấy lực lượng giáo viên quá thiếu, 1 thầy cùng lúc dạy tới 2 lớp, việc học tập của các em học sinh thiếu thốn mọi bề. Là đứa con của vùng đất Khánh Bình Tây anh hùng, thầy muốn góp phần công sức cho sự nghiệp giáo dục xã nhà.
Thầy vẫn còn nhớ như in, thời điểm năm 1995, lương giáo viên chưa được 200.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập ngần ấy chỉ đủ sống nửa tháng, thời gian còn lại phải về “cầu cứu” gia đình. Cũng vì lương không đủ sống nên không ít thầy cô đành bỏ nghề. Thế nhưng, thầy vẫn kiên định với con đường mình đã chọn. Thầy Thiện trải lòng: “Nghề nào cũng có những khó khăn, thử thách. Mình chọn nghề thì phải yêu nghề, có tâm huyết mới có thành công”. Nhìn thấy các em học sinh mình từng giảng dạy trưởng thành, khôn lớn, nhiều em tốt nghiệp đại học, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương là niềm hạnh phúc, là động lực để thầy Thiện vững bước với sự nghiệp “trồng người”.
Có mặt từ những ngày đầu tiên trường mới thành lập ngoài đê biển Tây, với trường học được dựng bằng cây lá tạm bợ, cơ sở vật chất dường như không có gì, cô Hoàng Thị Quy (giáo viên lớp 3A, Trường Tiểu học Ðá Bạc) nhớ lại, khi nước biển dâng là ngập cả bàn, ghế, học sinh không thể học được. Thầy và trò phải chờ nước rút mới học tiếp. Có năm đang tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của Bác, nước biển dâng, thầy cô hối hả tìm nơi an toàn cho học sinh. Cứ mãi lo tính mạng các em, đến khi nhớ lại dép của thầy lẫn trò đều bị nước biển cuốn trôi.
Ðến với nghề giáo vì niềm đam mê nhưng để gắn bó với nghề này suốt 19 năm, cô Quy phải “chinh phục” không ít khó khăn. Khi lương giáo viên không đủ lo toan cuộc sống gia đình, ngoài giờ dạy học trên lớp, cô Quy tranh thủ lúc rảnh rỗi làm mướn, trồng rẫy để cải thiện thu nhập. Nhà ở tận ấp Sào Lưới A, xã Khánh Bình Tây Bắc, để đến trường dạy học, hằng ngày, cô phải đi bộ mấy cây số, sau này bơi chiếc xuồng ba lá hơn nửa tiếng đồng hồ, mấy năm gần đây có điều kiện mới sắm được chiếc xuồng composite.
6 năm nay, vào mùa mưa, ngoài công tác giảng dạy chuyên môn, cô Quy kiêm thêm việc đưa, rước học sinh tới trường. Cô Quy bộc bạch: “Ở đây, nhiều nơi vẫn chưa có lộ bê-tông, khi trời mưa, đường sình lầy, trơn trượt, sơ suất một chút là té, quần áo, sách vở lấm lem, hơn nữa gần sông nước, các em lại còn nhỏ, đa phần chưa biết lội, rất nguy hiểm. Nhiều phụ huynh thấy thế cho con mình nghỉ học. Muốn giúp các em vơi bớt phần nào vất vả, cô đề xuất với phụ huynh đưa đón các em đến trường, rồi đưa về nhà”. Có thêm công việc mới nên mỗi buổi sáng cô Quy phải thức dậy sớm hơn và về trễ hơn vì phải đợi các em tan học. Vất vả là vậy nhưng nhìn thấy các em đến trường đều đặn, ngoan ngoãn, thành tích học tập tiến bộ, cô thấy mình như có được niềm vui.
Không riêng cô Quy, thầy Huỳnh Hữu Nghị, giáo viên lớp 2A1, Trường Tiểu học 5 Khánh Bình Ðông (ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) cũng làm nghề đưa đò nghiệp dư 8 năm nay. Do địa bàn khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời và ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, một vài nơi vẫn chưa có lộ đất đen, việc đi lại rất khó khăn. Cha mẹ các em đa phần đều là nhà nông, không có thời gian rảnh rỗi đưa đón các em tới trường. Thấu hiểu nỗi cơ cực của các em học sinh vùng sâu, vùng xa, với tấm lòng của người thầy, hy vọng có thể tiếp sức các em trên hành trình tìm cái chữ, suốt 9 tháng học, bất kể trời mưa hay nắng, thầy Nghị vẫn cần mẫn làm “ông lái đò”.
Vào mùa mưa, hằng ngày cô Hoàng Thị Quy, giáo viên lớp 3A, Trường Tiểu học Đá Bạc (ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) tình nguyện đưa rước học sinh tới trường. |
Thầy Nghị bộc bạch: “Mỗi năm học, thầy đưa rước từ 20-30 em các lớp từ mẫu giáo đến tiểu học. Làm việc này tuy hơi cực nhưng bù lại các em được cắp sách đến trường trong điều kiện tốt hơn. Vậy là mình thấy vui rồi”. Thấy thầy tận tâm với trò, không tính toán thiệt hơn, như để chia sẻ phần nào sự cơ cực của thầy, vài năm gần đây, phụ huynh đóng góp chút ít tiền xăng.
Là người có thâm niên 18 năm trong nghề, cô Lâm Hồng Gấm, giáo viên lớp 2A3, Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây (ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), chân tình: “Không có từ ngữ nào có thể tả hết nỗi xúc động khi nghe các em học sinh tiểu học mình từng giảng dạy chào cô mỗi khi gặp lại, mặc dù giờ các em đã học cấp 2, cấp 3. Rồi, ngày 20/11 được nhận những tấm thiệp nho nhỏ với lời chúc chân thành của các em. Nhiêu đó thôi là thấy hạnh phúc rồi”.
Yêu nghề, mến trẻ chính là động lực giúp cô Gấm vượt qua những thách thức mới trong công tác giảng dạy. Không ngại khó, cô luôn tìm tòi, học hỏi các phương pháp dạy học mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học. Ðam mê, tâm huyết với nghề, cô Gấm trở thành tấm gương sáng cho các thầy, cô trẻ ở trường noi theo. Cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và là 1 trong 3 giáo viên của trường vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Vợ chồng cô đều công tác trong ngành giáo dục và phục vụ trên chính quê hương Khánh Bình Tây của mình. “Ðược cống hiến cho quê hương xứ sở đã là niềm hạnh phúc. Ðều là người trong nghề nên vợ chồng dễ thấu hiểu, thông cảm khó khăn của nhau. Từ đó, động viên, khuyến khích lẫn nhau nỗ lực vượt qua khó khăn”, cô Gấm tâm sự.
Từng thầy, cô “bén duyên” với nghề giáo vì những lý do khác nhau, nhưng ở họ đều có điểm chung là tấm lòng vì đàn em thân yêu./.
Bài và ảnh: Ngọc Minh