(CMO) Hiện đang mùa mưa bão cũng là thời điểm nhạy cảm dễ phát sinh tai nạn đối với phương tiện thuỷ. Do đó, công tác đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực giao thông thuỷ tại các cửa biển luôn được các ngành, các cấp chú trọng.
Là cửa biển sầm uất nhất tỉnh, với hàng ngàn phương tiện đánh bắt hải sản, hàng trăm phương tiện đò ngang, đò dọc, cửa biển Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, là địa bàn có tình hình giao thông thuỷ phức tạp, đặc biệt là vào mùa mưa.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Trần Văn Thời xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa. |
Việc chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ đối với các phương tiện thuỷ nội địa tại đây chưa nghiêm, nhất là đò dọc.
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong 2 buổi tuần tra kiểm soát của cảnh sát giao thông huyện Trần Văn Thời, tại địa bàn thị trấn Sông Đốc có trên 20 trường hợp vi phạm về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa được xử lý. Các lỗi thường gặp là: người lái phương tiện không có chứng chỉ, phương tiện không trang bị các thiết bị an toàn kỹ thuật, không đủ phao cứu sinh… trong đó, vi phạm về bố trí phao cứu sinh là phổ biến.
Anh Tống Thanh T ngụ Khóm 5, thị trấn Sông Đốc, hành nghề chạy đò dọc trên tuyến sông này đã gần 2 năm. Thế nhưng, khi được hỏi về các điều kiện trang bị an toàn cần thiết trên phương tiện mình, anh trả lời: “Phương tiện mới sửa lại nên chưa có điều kiện mua sắm, cứ nghĩ là chạy gần gần đây thôi cũng không thấy gì nguy hiểm!”.
Sông Ông Đốc thông ra cửa biển Sông Đốc, là cửa biển khá rộng. Các loại đò dọc thường xuyên chuyên chở, vận chuyển người, hàng hoá qua lại. Thế nhưng, vẫn còn nhiều phương tiện rất chủ quan trong việc trang bị các trang thiết bị an toàn cần thiết cho hành khách và cho mình. Thêm vào đó là nhiều phương tiện đã cũ, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hoạt động.
Trước tình hình đó, lực lượng cảnh sát giao thông, Công an huyện Trần Văn Thời đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm ngăn ngừa những tình huống xấu có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Thượng tá Kiều Minh Được, Phó trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, cho biết, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ trên địa bàn huyện trong thời gian tới, Công an huyện sẽ tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường thuỷ nội địa cho chủ phương tiện và người tham gia giao thông thuỷ; tổ chức kiểm tra, yêu cầu ký cam kết và nhắc nhở chấp hành đối với 100% chủ phương tiện, chủ bến phà, bến đò chở khách ngang sông.
"Lực lượng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm và đình chỉ hoạt động các bến, phương tiện không đủ điều kiện an toàn hoạt động. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, “ Người đi phà, đi đò phải mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cá nhân”, “Tuyến sông an toàn”", Thượng tá Kiều Minh Được thông tin.
Hiện Công an huyện đang khẩn trương rà soát, xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn giữa phương tiện thuỷ và công trình vượt sông trên địa bàn.
Với quyết tâm không để xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện đã tuần tra kiểm soát trên 60 cuộc, phát hiện và lập biên bản hơn 130 trường hợp vi phạm, phạt hành chính với số tiền trên 90 triệu đồng, tăng hơn 60 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ không chỉ là tuần tra, kiểm soát hay xử lý vi phạm mà vấn đề còn là ý thức tự giác của người dân khi tham gia giao thông. Và ở đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cơ sở là điều tiên quyết nhằm từng bước làm dừng, làm giảm tai nạn giao thông./.
Song Khuê