(CMO) Chiều 3/10, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp với UBND huyện Ngọc Hiển và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức hội thảo sơ kết Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển ĐBSCL tại Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ UBS Optimus Foundation (UBS OF).
Ông Đặng Minh Khởi, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết dự án đang được triển khai thực hiện tại 4 xã trên địa bàn.
Khai mạc tại hội thảo, ông Đặng Minh Khởi, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết, qua 1 năm thực hiện, Tổ chức WWF-Việt Nam đã và đang triển khai hoạt động dự án tại 4 xã: Tam Giang Tây, Tân Ân, Viên An và Viên An Đông, với tổng vốn viện trợ hơn 15 tỷ đồng.
Dự án góp phần giúp địa phương nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, thay đổi hành vi và nhận thức của cộng đồng về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế của người dân trong vùng dự án.
Đồng thời, dự án cũng nhằm nâng cao giá trị thương phẩm tôm - rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là thực hành thích ứng biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thuỷ sản.
Nông dân Ngọc Hiển thu hoạch tôm.
Bà Phạm Thị Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Khí hậu và Năng lượng, Tổ chức WWF-Việt Nam, thông tin, thời gian thực hiện dự án từ tháng 2/2022 đến tháng 8/2025.
Dự án có 2 hợp phần chính là cải thiện sinh kế cho cộng đồng nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn để hạn chế rủi ro phá rừng và cải thiện sản xuất mô hình luân canh tôm-lúa; tăng cường quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp thông qua một loạt hoạt động can thiệp tại địa bàn nhằm nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương.
Đến nay, sau gần 1 năm triển khai hoạt động, dự án đã phối hợp với 4 xã, lựa chọn được 13 hộ dân với 67 ha để thí điểm mô hình nuôi tôm-rừng cải tiến, tổ chức tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với 2 ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng và Đất Mũi, xây dựng bản hướng dẫn về quản lý và phục hồi rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng và đã triển khai trồng 22 ha rừng trên địa bàn.
Trồng rừng ngập mặn tại xã Đất Mũi, do Tổ chức WWF-Việt Nam tài trợ.
Tại hội thảo, đại diện Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi… tham luận làm rõ thêm ý nghĩa, mục đích của dự án cũng như giải pháp để thực hiện dự án đạt hiệu quả hơn./.
Hoàng Vũ