(CMO) Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại là một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được UBND tỉnh ban hành.
Cà Mau là một tỉnh thuần nông với hơn 77% dân số sống ở vùng nông thôn, cùng với đó nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 36% trong cơ cấu kinh tế. Do đó, việc phát triển nông nghiệp thích ứng với diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu hiện nay là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Thực tế đã có những năm nền nông nghiệp nói riêng và các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã phải chịu tác động rất nặng nề từ các hiện tượng thời tiết cực đoan và hầu như tất cả các hiện tượng thời tiết cực đoan đều để lại hệ luỵ. Năm mưa lớn thì ngập úng cục bộ; hạn nhiều thì xâm nhập mặn; dông lốc lại gây ra sập nhà, đổ ngã cây trồng…
Cống kết hợp với trạm bơm trên tuyến Tắc Thủ - Sông Ðốc là hệ thống thuỷ lợi quan trọng bảo vệ vùng ngọt hoá Trần Văn Thời. |
Từ đầu năm đến nay, thiên tai cũng đã làm thiệt hại về tài sản của người dân hơn 36,4 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, đã có 1 người chết và 1 người bị thương; 8 phương tiện khai thác thuỷ sản bị chìm; 1.583 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 43 công trình bị sập, tốc mái, ngã đổ… Thiên tai cũng làm thiệt hại 3.196 ha lúa và hoa màu, hơn 136 ha muối; ngập nhiều nhà cửa làm hư hỏng nhiều vật dụng của người dân. Ngoài ra, còn có 106 vị trí ven sông bị sạt lở, vỡ 11 m bờ bao vuông tôm... Có thể thấy, những thiệt hại chủ yếu tập trung trên lĩnh vực nông nghiệp và người dân tại các vùng nông thôn.
Từ thực tế này cho thấy, việc tăng “sức đề kháng” cho nền nông nghiệp hiện nay là điều vô cùng cấp bách. Theo đó, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ này. Xoay quanh định hướng phát triển nông nghiệp, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã từng chỉ đạo, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với yêu cầu của thị trường, tiến tới xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, đời sống người dân cơ bản có chất lượng, tiến gần đô thị.
Tôm, cua biển, lúa gạo, chuối, gỗ và các sản phầm từ gỗ vẫn là những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm này sẽ được phát triển theo các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường. Ðồng thời, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt. Ðổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng.
Theo đó, mục tiêu kế hoạch đề ra là đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng GRDP ngư, nông, lâm nghiệp đạt bình quân 5% mỗi năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân 3,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động ngư, nông, lâm nghiệp đạt từ 6,5-7%/năm. Ðặc biệt, tỷ lệ giá trị sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 20%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 20%; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt 25%…
Ðội tàu cá thị trấn Sông Ðốc hàng năm đạt sản lượng khai thác gần 200.000 tấn thuỷ sản các loại. |
Ðể đạt được mục tiêu này, giải pháp đề ra là tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chủ động cấp thoát nước cho diện tích trồng lúa 2 vụ, diện tích các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình thuỷ lợi phục vụ vùng khó khăn về nguồn nước, các công trình ngăn mặn, chống sạt lở... để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tập trung đầu tư phát triển cảng cá kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền nghề cá để tăng hiệu quả đầu tư, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu bằng việc áp dụng các biện pháp canh tác thích nghi. Cụ thể, phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở những vùng nước biển dâng, xâm nhập mặn đồng thời chuyển sang trồng hoa màu và cây trồng cạn ở những nơi giảm lượng mưa... Cùng với đó, áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường là làm đất tối thiểu, bón phân và phun thuốc thông minh, tưới tiết kiệm nước, chăn nuôi tiết kiệm nước, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu, tăng cường sử dụng nguyên liệu vi sinh hoặc hữu cơ... cũng là những giải pháp đã được chọn lựa để phát triển nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới./.
Nguyễn Phú