"Tai nạn giao thông (TNGT) gây ra những hậu quả rất nặng nề. Trong nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn thì lỗi chủ quan vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Chính vì thế, việc tăng mức xử phạt được xem là sự răn đe, để người điều khiển giao thông điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông”, ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, nêu quan điểm.
Nghị định số 168/2024/NÐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (Nghị định 168), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Nghị định 168 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100 năm 2020, Nghị định 123 năm 2021. Tại nghị định mới này, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mạnh mức xử phạt. Cụ thể, tài xế ô tô tham gia giao thông vượt đèn đỏ sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng, cao gấp hơn 3 lần so với quy định trước đó (4-6 triệu đồng). Tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,25-0,4 mg/lít khí thở hoặc 50-80 mg/100 ml máu sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng.
Ngoài ra, một số hành vi vi phạm như: vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... có mức phạt cao gấp từ 3-30 lần so với mức trước đó. Các hành vi về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi xe máy vào đường cao tốc, cũng được cụ thể hoá với mức phạt tăng gấp 2-3 lần.
Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông được xem là giải pháp tạo sự răn đe, điều chỉnh hành vi, nhận thức của người tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Thanh Bằng cho rằng: "Nhiều năm qua, trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), chúng ta đã triển khai rất nhiều giải pháp. Dù thực tế đã đem lại những kết quả tích cực nhưng thật sự chưa đạt như kỳ vọng. Ðâu đó trong cuộc sống, trên những trục đường vẫn còn TNGT xảy ra. Nhiều cảnh đời đau thương, bi kịch cuộc sống ập đến cũng vì TNGT. Ðiều này cho thấy, kết quả có, nhưng chưa bền vững. Chính vì thế, theo tôi, việc tăng mức xử phạt, đặc biệt là những hành vi vi phạm cố ý nguy hiểm, trực tiếp gây ra những vụ TNGT, là rất cần thiết trong tình hình hiện nay".
Một hành vi liên quan trực tiếp đến nhiều người, đó là dừng phương tiện theo tín hiệu đèn giao thông, theo nghị định mới, hành vi này nếu vi phạm cũng có mức xử phạt khá cao. Cụ thể, mức phạt đối với ô tô tăng từ mức 4-6 triệu đồng lên từ 18-20 triệu đồng; mức phạt đối với xe mô tô tăng từ mức 800.000-1 triệu đồng lên từ 4-6 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe. Thực tế cho thấy, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, hay thường được gọi là “vượt đèn đỏ”, là hành vi nguy hiểm khi tham giao thông. Ðây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ TNGT và tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.
Liên quan vấn đề này, ông Bằng chia sẻ, đây là vấn đề rất đáng báo động, tại các nút giao có đèn tín hiệu mà người điều khiển phương tiện cố tình không chấp hành thì tai nạn rất dễ xảy ra. Tại các nút giao, nơi có xung đột giao thông nguy hiểm thì người điều khiển phương tiện phải tập trung quan sát, bắt buộc phải chấp hành theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu và của cảnh sát giao thông, biển báo hiệu... Việc làm này không chỉ để đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn đảm bảo an toàn cho người khác.
Thế nhưng, bỏ qua những quy định, đâu đó vẫn còn khá nhiều người cố tình vi phạm, hoặc không đủ kiên nhẫn chờ đèn tín hiệu kết thúc thời gian dừng để di chuyển. Ðiều này đặt cho trạng thái giao thông bình thường đứng trước những rủi ro cao mà kết thúc là những va chạm, tai nạn.
Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 57 vụ TNGT, làm chết 26 người, bị thương 42 người. Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện tại tình hình TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp. Ngoài nguyên nhân do mật độ người, phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, một số nơi chưa thực sự chú trọng đến công tác bảo đảm TTATGT... thì nguyên nhân chính vẫn do ý thức của người điều khiển phương tiện. Phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, phần đường, lạng lách, đánh võng, qua đường không quan sát, không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia... là những lỗi vi phạm phổ biến của người tham gia giao thông hiện nay, nhất là với đối tượng thanh, thiếu niên.
Trong hoạt động kiểm soát TTATGT, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các địa phương triển khai quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm, địa bàn thường xảy ra TNGT. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT; đổi mới phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT.
Song song với nỗ lực của lực lượng làm nhiệm vụ, việc tăng mức phạt vi phạm giao thông nhằm hình thành áp lực tài chính lớn hơn, từ đó người tham gia giao thông điều chỉnh hành vi phù hợp, thận trọng và cân nhắc trước việc làm của mình khi tham gia giao thông. Ðây được xem là giải pháp phòng ngừa, góp phần nâng cao ý thức tự giác thượng tôn pháp luật khi tham giao thông thông, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội do TNGT gây ra./.
Lê Kim