ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 17-9-24 03:15:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tăng tốc cải thiện chỉ số DTI

Báo Cà Mau (CMO) Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố kết quả chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022. Theo đó, chỉ số DTI của Cà Mau tăng 114 điểm so với năm 2021, nhưng giảm 20 hạng so với cùng kỳ, xếp 58/63 tỉnh, thành phố cả nước. Dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực, song sự cải thiện trong từng chỉ tiêu chuyển đổi số (CÐS) vẫn còn chậm so với kỳ vọng.

DTI còn được xem là chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của CÐS. Ðây là năm thứ 3 Bộ TT&TT đánh giá chỉ số DTI của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, bộ chỉ số DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính, với 98 chỉ số thành phần (gồm 190 chỉ số chi tiết trong 98 chỉ số thành phần), có tổng số điểm là 1.000.

Theo kết quả công bố, trong 9 chỉ số chính (trong đó, có 1 chỉ số là Ðô thị thông minh Bộ TT&TT chưa đánh giá) thì năm 2022 Cà Mau có đến 6/8 chỉ số tăng giá trị và tăng điểm, gồm: Nhận thức số; Thể chế số; Hạ tầng số; An toàn thông tin mạng; Chính quyền số. Trong đó, tăng điểm nhiều nhất là Nhận thức số và Chính quyền số. 2 chỉ số giảm điểm, đó là Kinh tế số và Xã hội số.

 Các thủ tục hành chính được công khai niêm yết bằng mã QR, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu.

Tại hội nghị trực tuyến 3 cấp sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về công tác CÐS và thực hiện Ðề án 06 vừa qua, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chỉ đạo: “Qua kết quả tổng thể cho thấy, vô hình trung Cà Mau có tăng điểm nhưng vẫn chậm so với các tỉnh khác. Và tổng số điểm của tỉnh vẫn chưa đạt trên trung bình, Cà Mau chỉ đạt 468/1.000 điểm. Trong đó, chỉ số An toàn thông tin mạng dù cải thiện (tăng 30 điểm) nhưng chỉ mới đạt 44 điểm; Hoạt động xã hội số lại giảm 22 điểm, Hoạt động kinh tế số giảm 2 điểm. Ðây là điều rất đáng quan tâm. Bởi CÐS là phục vụ người dân và doanh nghiệp và phải đảm bảo an toàn thông tin. Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần nhận thức rõ vấn đề, rà soát, đánh giá lại từng chỉ tiêu, tập trung quyết liệt các giải pháp, góp phần tăng chỉ số DTI của tỉnh từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo”.

Xét theo chỉ số thành phần, năm 2022, tỉnh có 30 chỉ số thành phần đạt điểm tối đa, 17 chỉ số thành phần không có điểm và 48 chỉ số thành phần bị trừ điểm.

Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở TT&TT, nhìn nhận: “Giảm hạng này trước hết là trách nhiệm của Sở TT&TT - cơ quan thường trực CÐS của tỉnh, là cơ quan tham mưu đề xuất trong chỉ đạo điều hành của tỉnh về CÐS. Mặc dù số điểm tăng so với năm 2021 nhưng thứ hạng giảm. Ðây là kết quả khá bất ngờ và cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót trong công tác CÐS của địa phương thời gian qua, để từ đó có giải pháp cải thiện và thúc đẩy hơn nữa”.

 Việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tuy có những chuyển biến tích cực trong năm 2023, nhưng hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là bộ phận một cửa còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt cho triển khai dịch vụ công trực tuyến

Phân tích nguyên nhân tụt hạng sâu, ông Trần Quốc Chính cho biết: “Có các nguyên nhân chủ quan như năng lực, trình độ của đội ngũ công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu của CÐS nhanh như hiện nay. Tiếp đến là dù đã có chỉ tiêu, giải pháp nhưng cách làm, cách tổ chức thực hiện chưa phù hợp với cách đánh giá của bộ, ngành. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc lại chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Ðây là 3 lý do hết sức cơ bản”.

Thực tế cũng cho thấy, về chỉ số “Nhân lực số”, mặc dù đạt điểm khá cao với 65/100 điểm, song, có tới 4 chỉ số thành phần đạt điểm rất thấp đó là: tỷ lệ công chức, viên chức (CCVC) chuyên trách, kiêm nhiệm về CÐS đạt 0,49/10 điểm; tỷ lệ CCVC chuyên trách, kiêm nhiệm về An toàn thông tin mạng đạt 1,07/10 điểm; tỷ lệ người lao động được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số (0,04/5 điểm); số lượng người dân được phổ cập kỹ năng số cơ bản trên nền tảng OneTouch (0,26/5 điểm).

Ông Trần Quốc Chính chia sẻ thêm: “Cán bộ, CCVC chuyên trách, kiêm nhiệm về CÐS trong các cơ quan Nhà nước các cấp hiện nay chiếm tỷ lệ rất thấp (chiếm 0.49%). Mặt khác, cả tỉnh chưa có cán bộ, CCVC chuyên trách về An toàn toàn thông tin mạng. Số lượng cán bộ, CCVC được đào tạo tập huấn về CÐS vẫn còn ở mức trung bình (chiếm 5.53%/tổng số cán bộ, CCVC)”.

Cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước các cấp hiện nay chiếm tỷ lệ rất thấp (0.49%); mặt khác, cả tỉnh chưa có cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về an toàn thông tin mạng. (Ảnh chụp tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Ðầm Dơi).

“An toàn thông tin mạng” cũng là một trong những chỉ số quan trọng, song có tới 3/12 chỉ số thành phần bị điểm 0. Ðó là số lượng máy chủ của cơ quan Nhà nước cài đặt phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC); Số lượng các phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng; và chỉ số thành phần Kinh phí diễn tập, ứng cứu sự cố an toàn thông tin.

Tuy nhiên, bên cạnh nhóm chỉ số tăng điểm so với năm 2021, thì có 2 chỉ số giảm so với năm 2021 là Hoạt động kinh tế số (60/100 điểm), giảm 2 điểm và Xã hội số (27/150 điểm), giảm 27 điểm. Trong đó, một số chỉ số thành phần đạt thấp như: tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 0,01/10 điểm; Số lượng hộ gia đình có địa chỉ số (trên tổng số hộ gia đình) (0/20 điểm); tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho Xã hội số (0,46/20 điểm); số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân (0,61/20 điểm).

“Có thể thấy, CÐS trong các ngành, địa phương chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào phát triển chính quyền điện tử, gặp nhiều lúng túng trong triển khai phát triển kinh tế số và xã hội số. Bộ máy nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế số tại các sở, ngành và địa phương đều rất mỏng, hầu như chưa có. Người dân có kỹ năng số chưa được nhiều và tập trung chủ yếu ở giới trẻ; số lượng người dùng các nền tảng số trong giao dịch thanh toán trực tuyến, phục vụ đào tạo, học tập trực tuyến, đọc sách trực tuyến còn thấp”, ông Trần Quốc Chính lý giải.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song ông Chính cũng tin tưởng: “Năm 2022, nhiều chỉ tiêu chưa đo lường được. Năm 2023, tỉnh cơ bản đã xây dựng, ứng dụng được các nền tảng số, dữ liệu số và thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, từng bước hình thành công dân số. Do đó, nhiều khả năng năm 2023 chỉ số DTI sẽ cải thiện. Tuy nhiên, sở sẽ quyết liệt hơn trong các nhiệm vụ triển khai, phối hợp các sở, ngành, địa phương để cải thiện đáng kể về số điểm lẫn thứ hạng”./.

 

Hồng Nhung

 

Các nhà mạng tại Cà Mau hoàn tất cắt sóng 2G

Bắt đầu từ hôm nay, 2/9, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh Cà Mau chính thức tắt sóng 2G theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Từ ngày 16/9, người dùng bắt buộc phải chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh hoặc điện thoại bàn phím có hỗ trợ sóng 4G, 5G mới đảm bảo liên lạc được.

Doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi số

Những năm qua, chuyển đổi số (CÐS) đã và đang trở thành xu thế tất yếu, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, CÐS không chỉ đơn thuần là việc áp dụng các công nghệ mới mà còn là quá trình tái cấu trúc, thay đổi phương thức hoạt động, tạo ra những giá trị mới.

Toàn diện phục vụ nông dân

Các phần mềm chuyển đổi số của ngành nông nghiệp tỉnh đã giúp người nông dân canh tác, nuôi trồng tốt hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất tiên tiến, hiệu quả.

Ðảm bảo an toàn thông tin mạng

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin toàn cầu đã cho ra đời những công cụ vô cùng tiện ích, trong đó có Internet và công nghệ liên lạc không dây. Tuy nhiên, cùng với tiện ích tuyệt vời, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới, đều đang phải đối mặt với những mối đe doạ an ninh do công cụ này gây ra.

Chuẩn hoá dữ liệu lĩnh vực điện

Xác định chuyển đổi số là một trong những nền tảng quan trọng thúc đẩy ngành điện phát triển mạnh mẽ và bền vững, thời gian qua, ngành điện đã chủ động đầu tư, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng thực hiện đảm bảo số hoá các dịch vụ cung cấp điện cho người dân, chuẩn hoá dữ liệu khách hàng, đem đến sự tiện lợi, hài lòng trên tất cả các lĩnh vực của ngành.

Ứng dụng truyền thông sáng tạo quảng bá hình ảnh Cà Mau

Phát triển các kênh trên nền tảng mạng xã hội, công nghệ số hoá 3D, hay tổ chức các sự kiện tích hợp trực tiếp... là hình thức truyền thông mới đã được Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) ứng dụng mang lại hiệu quả tích cực nhằm đẩy mạnh quảng bá môi trường đầu tư, điểm đến du lịch, sản phẩm thương mại... Phương thức truyền thông sáng tạo này đã nhận được đánh giá cao từ công chúng, phù hợp với xu hướng nền kinh tế số.

Khám chữa bệnh bằng căn cước công dân

Ðể thuận lợi cho người dân, thời gian qua, nhiều bệnh viện, phòng khám trên địa bàn tỉnh áp dụng thực hiện việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD). Với tấm thẻ CCCD gọn nhẹ, giờ đây mọi thủ tục đều được tiếp nhận và tích hợp hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tra cứu và tiếp nhận thông tin trên BHYT của người dân bằng thẻ CCCD cũng dần được sử dụng rộng rãi vào hồ sơ sức khoẻ điện tử trên VNPT HIS.

Nỗ lực chuyển đổi sóng 2G cho vùng sâu

Nằm trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ tháng 9/2024, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G. Hiện nay, các địa phương cũng như các nhà mạng trong tỉnh đang đẩy mạnh các đợt truyền thông, hỗ trợ bà con vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo nâng cấp thuê bao từ 2G sang 4G nhằm bắt nhịp cùng chủ trương lớn.

Xây dựng hệ thống y tế thông minh, tiện ích

Ðể nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, thời gian qua, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý và chuyên môn. Trong đó, việc ứng dụng các phần mềm quản lý, khám chữa bệnh (KCB) cho người dân đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện chất lượng và an toàn trong quá trình điều trị bệnh.

Truyền thông số mở cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp

Có thể nói, sự bùng nổ của mạng xã hội đã mở ra “cơ hội vàng” cho phụ nữ nông thôn khởi sự kinh doanh. Tận dụng điều này, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong huyện Ðầm Dơi đã thực hiện nhiều biện pháp định hướng, quảng bá sản phẩm của hội viên trên môi trường mạng nhằm mở rộng thị trường, tăng sản lượng sản xuất. Bắt nhịp với chuyển đổi số cũng là lúc để phụ nữ nông thôn thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũng như phương thức sản xuất kinh doanh, góp phần tăng hiệu quả công việc.