(CMO) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chỉ tiêu thuộc tiêu chí y tế trong xây dựng NTM. Hướng tới xây dựng NTM nâng cao, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, các xã của TP Cà Mau đang nỗ lực giữ vững và nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn.
Thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, những năm qua, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT. Ðến tháng 5/2021, người dân tham gia BHYT trên địa bàn các xã đạt 91,07%. Theo bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2019-2020, người dân tham gia BHYT phải đạt từ 93% trở lên. Do đó, các xã NTM xây dựng NTM nâng cao đang gặp khó để đạt tiêu chí này.
Xã Tắc Vân hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao vào cuối năm 2020. Thời điểm này, xã vận động người dân tham gia BHYT đạt gần 94%, tương đương 10.720 người tham gia. Năm 2021, xã đặt mục tiêu vận động người dân tham gia BHYT đạt hơn 95% dân số. Tuy nhiên, qua rà soát, đến tháng 10/2021, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã mới chỉ đạt 87,65% dân số.
Nhân viên đại lý thu BHYT, BHXH xã Tắc Vân tuyên truyền đến người dân những lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế. |
Ông Hồ Thanh Sử, Chủ tịch UBND xã Tắc Vân, cho biết: “Thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, mua bán trên địa bàn tạm ngưng hoạt động. Ðiều này khiến các cơ sở kinh doanh mua bán, hộ cá thể bị ảnh hưởng, còn người lao động bị mất việc làm, người dân không có nguồn thu nhập nên không thể tham gia BHYT tự nguyện. Một số ít đối tượng lựa chọn loại hình bảo hiểm nhân thọ...”.
Vợ chồng anh Trần Trường Sanh và chị Tăng Hồng Diễm cùng là nhân viên đại lý thu BHYT, BHXH tự nguyện xã Tắc Vân. Anh Sanh trải lòng: "Xác định nhiệm vụ là cầu nối mang chính sách BHYT đến với người dân, vợ chồng tôi đã xây dựng kế hoạch để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình, đặc biệt là thường xuyên bám sát cơ sở, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” vận động Nhân dân tham gia BHYT tự nguyện. Tuy nhiên, thời gian địa phương chịu tác động từ dịch Covid-19, nhiều người dân trên địa bàn xã rất muốn tham gia BHYT nhưng không có tiền”.
Theo tìm hiểu, trước đây, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn xã Tắc Vân gặp nhiều khó khăn do nhận thức, hiểu biết của người dân về chính sách BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, thu nhập của một số hộ dân còn thấp, bấp bênh nên không có điều kiện tham gia BHYT; đặc biệt là tác động từ dịch Covid-19 nên số người tham gia BHYT so với cùng kỳ có giảm. Tuy nhiên, với quyết tâm đạt 95% người dân trên địa bàn xã tham gia BHYT vào cuối năm nay, địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp thực hiện.
Ông Hồ Thanh Sử thông tin: "Ðể đạt mục tiêu 95% tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào cuối năm, trong những tháng còn lại của năm, Ban chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT xã Tắc Vân quyết liệt chỉ đạo 4 ấp, các ngành, đoàn thể, nhân viên đại lý thu BHYT tự nguyện xã tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và vận động người dân nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT. Vận động các mạnh thường quân và phòng khám đa khoa trong thành phố hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Xã cũng chỉ đạo các ấp phải rà soát thẻ BHYT đầy đủ, chính xác, đúng thời gian quy định và 100% người dân có hộ khẩu đang sinh sống tại xã, kể cả đối tượng học tập, làm việc ngoài địa bàn xã phải được rà soát và có số thẻ; đồng thời, lồng ghép việc vận động BHYT với vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, kết hợp cài đặt ứng dụng VssID đạt kết quả cao nhất”. Theo đó, xã Tắc Vân giao chỉ tiêu 4 ấp vận động 351 người tham gia BHYT đến cuối năm nay.
Tại xã NTM nâng cao Lý Văn Lâm, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND xã, cho rằng, tiêu chí về y tế là tiêu chí dễ biến động, chính quyền xã xác định, cần tạo mọi điều kiện để người dân có thu nhập ổn định, từ đó bà con sẽ tự nguyện và tích cực tham gia BHYT.
Ðể vận động đạt 93% người dân trên địa bàn xã tham gia BHYT vào cuối năm, xã Lý Văn Lâm đang đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh rau màu, lương thực theo hướng hàng hoá, như phát triển các mô hình: sản xuất lúa VietGAP, trồng dưa hấu VietGAP, lúa hữu cơ; nuôi tôm 2 giai đoạn; nuôi cá công nghiệp; sản xuất lúa chất lượng cao theo chuỗi sản phẩm… Duy trì và phát triển mô hình kinh tế tập thể, thường xuyên củng cố hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm, phục vụ mô hình trồng dưa hấu VietGAP, HTX dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn, phục vụ vùng sản xuất lúa VietGAP, lúa hữu cơ. Khi kinh tế ổn định, thu nhập tăng, người dân sẽ có điều kiện tham gia các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là tham gia BHYT và BHXH tự nguyện./.
Bích Lệ