(CMO) Ngày 13/4, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Cà Mau chủ trì tổ chức đoàn giám sát việc sắp xếp, điều chỉnh, sáp nhập ấp, khóm; sắp xếp, bố trí và chi trả chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trên địa bàn huyện Phú Tân. Đợt giám sát cùng nội dung này sẽ được tiến hành tại địa bàn của TP. Cà Mau và các huyện Phú Tân, Đầm Dơi và Ngọc Hiển.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Tân, đơn vị có 4 xã, thị trấn thực hiện việc điều chỉnh, sáp nhập ấp khóm gồm: thị trấn Cái Đôi Vàm, các xã: Tân Hải, Việt Thắng, Nguyễn Việt Khái. Sau điều chỉnh, sáp nhập ấp khóm, Phú Tân từ 75 ấp, khóm giảm còn 67 ấp, khóm. Quá trình thực hiện chủ trương điều chỉnh, sáp nhập ấp, khóm đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Các địa phương đã có phương án chủ động để hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi giấy tờ do thay đổi tên gọi ấp, khóm. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện bàn giao công việc, giải quyết các nhiệm vụ, hồ sơ công việc... diễn ra thuận lợi. Quyền và lợi ích của công dân, doanh nghiệp, tổ chức được bảo đảm.
Ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, báo cáo về với đoàn giám sát của ban Pháp chế, HĐND tỉnh về kết quả sáp nhập ấp, khóm và việc sắp xếp, thực hiện chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm. |
Đối với người hoạt động không chuyên trách ấp, khóm, trước khi thực hiện chủ trương sắp xếp, bố trí và chi trả chế độ theo tinh thần Nghị quyết 25/2019/NQ-HĐND (Nghị quyết 25) và Nghị quyết 26/2019/NQ-HĐND (Nghị quyết 26), Phú Tân có 742 người, sau khi thực hiện còn 211 người, số lượng dôi dư là 537 người và được chi trả hỗ trợ 1 lần hơn 3 tỷ đồng. Việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ cho đối tượng hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm diễn ra tương đối thuận lợi, theo đúng quy định.
Ông Lữ Hoàng Hiền, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, thông tin: “Sau khi sáp nhập một số ấp, các đồng chí cán bộ của ấp bị sáp nhập đã có đơn tự nguyện xin nghỉ tham gia công tác, được chi trả chế độ theo đúng quy định. Tuy nhiên, có một số khó khăn sau khi sáp nhập là do địa bàn ấp rộng hơn, cán bộ ấp mới còn cần thời gian làm quen, tiếp cận địa bàn. Các loại giấy tờ, thủ tục liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân đang tích cực được điều chỉnh”.
Ông Lê Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết: “Từ 11 ấp, khóm, sau khi sáp nhập, thị trấn còn 8 khóm. Một số cán bộ dôi dư sau sáp nhập ban đầu cũng có tâm tư, nhưng sau đó cũng nhận thức được vấn đề, nhận chế độ hỗ trợ theo quy định. Đến nay, 100% việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân đã hoàn thành. Một số khóm sau sáp nhập địa bàn quá rộng, gây khó khăn cho hoạt động của cán bộ khóm”.
Theo Nghị quyết 25, mỗi xã được hỗ trợ hàng tháng 2,5 triệu đồng/ấp, khóm. Sau đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục bàn bạc nâng mức hỗ trợ lên thành 3 triệu đồng/ấp, khóm để hỗ trợ hoạt động của ấp, khóm từ đầu năm 2022. Do ấp, khóm không phải là phân cấp chính quyền, thế nên số tiền này được coi là khoản tiền hỗ trợ. Mặc dù các ấp, khóm đều phản ánh là mức hỗ trợ này là thấp, nhưng đã có quy định rất cụ thể. Bên cạnh đó, việc quản lý và chi số tiền hỗ trợ này như thế nào thì hiện tại mỗi nơi làm mỗi kiểu, chưa có sự nhất quán, tiềm ẩn rủi ro sai phạm, khiếu nại...
Cán bộ không chuyên trách ở ấp, khóm là đội ngũ sâu sát, đồng hành cùng với sự phát triển của địa phương, người dân. |
Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã có ý kiến về việc tiếp tục đánh giá, xem xét các nội dung của Nghị quyết 25 theo hướng đảm bảo đúng với chủ trương chung, đồng thời sát với thực tiễn của địa phương, theo hướng có lợi cho đối tượng hoạt động không chuyên trách ấp, khóm. Mục tiêu là tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc của đội ngũ cán bộ ấp, khóm, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ nhân lực này”.
Theo ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát thì: “Vấn đề tâm tư của anh em cán bộ ấp, khóm thời gian qua là có. Tỉnh Cà Mau đã vận dụng linh hoạt, đúng quy định để hỗ trợ tối đa điều kiện làm việc cho lực lượng này. Tuy nhiên, cũng cần phải quán triệt lại những vấn đề thuộc về nguyên tắc, quy định, không thể phản ánh theo kiểu cảm tính, số đông. Do đó, nhận thức, khả năng nắm bắt thông tin và sự đồng thuận, nêu gương của đội ngũ cán bộ ấp, khóm là hết sức quan trọng. Cùng với đó, các cấp, ngành, nhất là HĐND cũng sẽ tích cực nghiên cứu, vận dụng phù hợp, đúng chủ trương để làm sao đội ngũ cán bộ ấp, khóm yên tâm công tác, cống hiến”./.
Quốc Rin