Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào rộng khắp, mang lại lợi ích thiết thực, tạo cơ hội cho người dân được học tập và học tập suốt đời.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào rộng khắp, mang lại lợi ích thiết thực, tạo cơ hội cho người dân được học tập và học tập suốt đời.
“Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay” là chủ đề của Tuần lễ Hưởng ứng Học tập suốt đời năm 2015 được tổ chức từ ngày 2/10/2015. Mục đích của hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hoá đọc trong các cộng đồng; góp phần xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện mà trước hết là thư viện trường học.
Thầy trò lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: LÊ KHOA |
Tỉnh Cà Mau hiện có 132 trường mầm non, 263 trường tiểu học, 118 trường THCS, 33 trường THPT; 110 cơ sở giáo dục thường xuyên các cấp, với nhiệm vụ tạo cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi nhu cầu.
Những năm qua, cấp uỷ Ðảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã không ngừng quan tâm chỉ đạo và thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Việc làm này đã được các tổ chức, các lực lượng xã hội, các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, trong đó ngành giáo dục và Hội Khuyến học giữ vai trò nòng cốt. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào rộng khắp, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, tạo cơ hội cho người dân được học tập và học tập suốt đời, từng bước xây dựng tỉnh Cà Mau cùng cả nước trở thành xã hội học tập.
Trong bối cảnh cả nước đang quyết tâm “Ðẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân được học tập suốt đời” theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, để thực hiện và đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Cà Mau, mỗi cá nhân chúng ta hãy đề cao trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có tay nghề được đào tạo và lao động với hiệu quả ngày càng cao; thường xuyên học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại.
Chúng ta hãy cùng nhau xác định xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển, đồng thời gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người bị thiệt thòi.
Xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo triệt để, sâu sát, sáng tạo của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của toàn dân, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội trong tỉnh.
Quán triệt chủ trương của Ðảng và Nhà nước về “Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho tất cả các công dân Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo”, trong thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, tạo ra phong trào mọi người tự giác học tập. Kết hợp với phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình thế hệ truyền thống, tuyên truyền động viên “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tấm gương thực hiện tốt công tác xây dựng xã hội học tập./.
Bùi Quang Viễn