(CMO) Từ buổi bình minh dựng nước, khi “Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển, Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng” lập nghiệp, phải chăng lúc đó tư tưởng bình đẳng giới đã hình thành trong tâm thức của phụ nữ Việt Nam? Không chỉ dừng lại ở trách nhiệm sinh con đẻ cái để duy trì và phát triển nòi giống, phụ nữ còn tích cực cùng nam giới lao động, tạo ra của cải vật chất phục vụ cuộc sống, tích cực chống lại mọi kẻ thù để bảo vệ bản làng, cao hơn là bảo vệ cộng đồng, dân tộc, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Tuy ý thức ấy không thể trở thành triết lý sống, thành hệ tư tưởng chính thống lúc bấy giờ vì nhiều lý do, nhưng ý thức trách nhiệm của người phụ nữ với gia đình, với quốc gia, dân tộc đã được thể hiện rõ suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, kể cả trong chiến tranh vệ quốc cũng như trong thời bình xây dựng đất nước.
Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ giai đoạn nào của đất nước, từ các triều đại phong kiến cho đến khi có Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình đối với quốc gia, dân tộc. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 sau Công nguyên; gần 200 năm sau, Bà Triệu với câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông, đánh đuổi quân Ngô, dành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chớ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”; Nữ tướng Nguyễn Thị Ðịnh với những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; lời tuyên bố đanh thép của chị Út Tịch: “Còn cái lai quần cũng đánh” ở thế kỷ XX… là những minh chứng hùng hồn cho tài năng, trí tuệ, lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc của phụ nữ Việt Nam.
Thực tiễn, đâu chỉ có tài ba thao lược trên chiến trường, phụ nữ Việt Nam còn là những người học cao, hiểu rộng, có tài trị quốc, biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, như Nguyên Phi Ỷ Lan, Thái hậu Dương Vân Nga… Không chỉ văn hay chữ giỏi với bản dịch Chinh Phụ ngâm nổi tiếng, mà Ðoàn Thị Ðiểm còn nhiều lần làm cho sứ Tàu phải bẽ mặt, nể sợ vì tài ứng đối sắc sảo. Lập luận sắc bén, tài trí vượt trội trên bàn đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình, một chính trị gia, một nhà ngoại giao lỗi lạc, một cán bộ lãnh đạo cao cấp của cách mạng Việt Nam khiến đối thủ chính trị sừng sỏ nhất thế giới trong thế kỷ XX phải nể phục... Và biết bao tấm gương anh dũng, trung trinh tiết liệt, những tấm gương hy sinh thầm lặng trong kháng chiến cứu quốc cũng như trong đời thường của phụ nữ Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua không sử sách nào ghi chép hết.
Khẳng định sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam, trong Diễn ca “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”; “Hai Bà Trưng có đại tài/ Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian/ Ra tay khôi phục giang san/ Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta”. Người từng căn dặn: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang là dũng cảm kháng chiến...”. Người luôn tự hào “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng... phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”. Trong kháng chiến chống pháp, Mỹ “ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ”. “Từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta có rất nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta đã có nhiều tiến bộ”. Bác cũng chỉ ra rằng: “Hiện nay trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Ðảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải cố gắng học tập chính trị, học tập văn hoá, kỹ thuật, nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa; hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình” (Bài nói tại Ðại hội Phụ nữ tích cực Thủ đô lần thứ II, ngày 8/3/1960).
Năm 1952, ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng và Quốc tế phụ nữ, Bác đã gửi thư khen: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Lời Bác dạy chính là kim chỉ nam, là mục tiêu để phụ nữ phấn đấu vươn lên. Trong giai đoạn xây dựng đất nước, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, cống hiến và để lại những dấu ấn quan trọng trên tất cả mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá đến ngoại giao… Ngày càng nhiều phụ nữ tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực, giữ những cương vị trọng yếu trong hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương; nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà giáo, nhà báo, bác sĩ ưu tú là nữ. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, phụ nữ càng tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trước kẻ thù vô hình nguy hiểm này.
Nữ kỹ thuật viên kiểm tra hệ thống xét nghiệm trước khi sử dụng tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: THANH MINH |
Ðể phụ nữ luôn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, mãi toả ngát hương thơm làm đẹp cho đời, không chỉ riêng giới nữ phải phấn đấu mà nam giới phải đổi mới tư tưởng, nhận thức về vai trò, vị trí của người phụ nữ từ trong gia đình đến ngoài xã hội; phải là bệ đỡ, là chỗ dựạ vững chắc để chị em có điều kiện, an tâm phấn đấu vì hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững của xã hội./.
Huỳnh Châu