Đối với môn tiếng Anh, bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho sinh viên, ở trường cao đẳng, đòi hỏi giảng viên phải tăng cường rèn luyện các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho sinh viên, nhằm vào mục đích sử dụng ngoại ngữ đạt hiệu quả cao trong quá trình học tập.
Đối với môn tiếng Anh, bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho sinh viên, ở trường cao đẳng, đòi hỏi giảng viên phải tăng cường rèn luyện các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho sinh viên, nhằm vào mục đích sử dụng ngoại ngữ đạt hiệu quả cao trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, trong điều kiện lớp học của môi trường chuyên nghiệp thì cũng có nhiều yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến quá trình dạy học như mục tiêu, động cơ học tập của sinh viên, môi trường và điều kiện học tập, nhận thức của từng sinh viên đối với môn học, tính thực tiễn của môn học trong đời sống của sinh viên, nhu cầu trong việc sử dụng ngoại ngữ…
Hoạt động ngoại khoá tiếng Anh. |
Do đó, việc lựa chọn phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh sao cho phù hợp và đạt hiệu quả thực sự có vai trò quan trọng trong suốt quá trình dạy học, đòi hỏi giảng viên phải hết sức chú ý đến các yếu tố có thể tác động trực tiếp hay gián tiếp vào toàn bộ quá trình dạy học nhằm mục đích hướng tới hiệu quả cao nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học của mình.
Tuỳ thuộc vào nội dung bài giảng mà giảng viên lựa chọn phương pháp sao cho phù hợp. Bài giảng đó hướng đến mục tiêu rèn luyện kỹ năng chủ yếu nào cho sinh viên trong các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Mặc dù sự phối hợp, đan xen giữa các kỹ năng là cần phải có nhưng giảng viên phải xác định rõ mục tiêu bài giảng, từ đó có kế hoạch cho từng nội dung bài giảng. Nếu việc xác định mục tiêu không chính xác sẽ kéo theo việc lựa chọn phương pháp không phù hợp làm hạn chế hiệu quả học tập của sinh viên. Do đó, cần thiết phải có sự kết hợp tốt giữa nội dung bài giảng và phương pháp phù hợp với từng nội dung bài giảng.
Thông thường, việc sử dụng một phương pháp dạy học không nên kéo dài quá lâu, vì nếu kéo dài quá lâu một hoạt động có thể làm sinh viên nhàm chán, mất tập trung vào bài học, mức độ tiếp thu bài giảm. Chẳng hạn, khi hướng dẫn sinh viên đọc bài đọc hiểu, có thể thực hành theo từng cá nhân, sau đó trao đổi, thảo luận theo cặp, hoặc yêu cầu sinh viên thảo luận trong từng nhóm nhỏ rồi từng cá nhân trình bày, hoặc cũng có thể cá nhân trao đổi trực tiếp trên lớp với những sinh viên khác và giảng viên về câu trả lời của mình…
Ngoài ra, việc lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp điều kiện dạy học, số lượng, năng lực của sinh viên trong từng lớp học cụ thể cũng là yếu tố đáng quan tâm. Bởi lẽ, việc rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ đối với lớp học có số lượng sinh viên quá đông thì việc phát triển kỹ năng nói rất hạn chế, đòi hỏi giảng viên phải tính toán thời gian chính xác cho từng hoạt động với từng đối tượng sinh viên. Kỹ năng nghe, viết và đọc hiểu có thể linh hoạt hướng dẫn chung cả lớp, hoặc giao cho sinh viên tự thực hành thêm ở nhà thông qua hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ của giảng viên.
Cuối cùng, việc lựa chọn phương pháp dạy học có thể dựa vào kinh nghiệm của bản thân giảng viên, nhưng phải chú ý đến sự hứng thú của sinh viên đối với bài học cũng như năng lực của các em. Tuỳ theo năng lực sư phạm và năng khiếu của từng giảng viên mà việc lựa chọn phương pháp như thế nào cho hiệu quả. Giảng viên cần nắm rõ trình độ, năng lực về môn học của đối tượng mà mình sắp hướng dẫn, từ đó, giảng viên đề ra những hoạt động phù hợp.
Lựa chọn phương pháp giảng dạy là yếu tố quan trọng đối với các môn học nói chung, môn tiếng Anh nói riêng. Việc lựa chọn phương pháp phù hợp liên quan đến nhiều yếu tố, đòi hỏi giảng viên phải có trình độ, năng lực sư phạm nhất định, phải biết chú ý lắng nghe, quan sát, thấu hiểu sinh viên, kết hợp cùng với các yếu tố phương tiện, kỹ thuật sẵn có, từ đó việc giảng dạy mới có thể đạt hiệu quả cao./.
Bài và ảnh: Phương An