Để theo kịp sự phát triển trong xu thế hội nhập, đòi hỏi mọi người có trình độ ngoại ngữ nhất định nhằm phục vụ giao tiếp, học tập, công tác. Trong đó, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến. Nhưng làm thế nào để phát triển môn tiếng Anh ở một tỉnh vùng xa như Cà Mau thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn.
Để theo kịp sự phát triển trong xu thế hội nhập, đòi hỏi mọi người có trình độ ngoại ngữ nhất định nhằm phục vụ giao tiếp, học tập, công tác. Trong đó, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến. Nhưng làm thế nào để phát triển môn tiếng Anh ở một tỉnh vùng xa như Cà Mau thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn.
Trao đổi với những giáo viên ngoại ngữ của tỉnh, đa phần đều nhận định, chất lượng giảng dạy, học tập môn Tiếng Anh của đội ngũ giáo viên, học sinh còn hạn chế, nhất là phần giao tiếp và phương pháp dạy.
Nâng cao chất lượng
Cô Trần Mỹ Lệ, chuyên viên phụ trách môn Tiếng Anh Sở GD&ĐT, cho biết, hiện nay, Sở GD&ĐT tiến hành nhiều buổi tập huấn, phân công các giáo viên tiếng Anh đi học bồi dưỡng hoặc nâng cao, nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, nằm trong chương trình 10 năm của Bộ GD&ĐT. Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT đề ra, đến năm 2020, tất cả các giáo viên bộ môn Tiếng Anh đều phải có bằng tiêu chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu.
Một tiết học với giáo viên nước ngoài tại Trung tâm Ngoại ngữ Việt - Anh. |
Cô N.P, giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy 3 năm môn Tiếng Anh, tại một trường THPT, TP Cà Mau, cho biết: “Với cái nhìn khái quát thì chất lượng học môn Tiếng Anh của học sinh hiện nay rất tốt, nhưng phần giao tiếp bằng ngoại ngữ của các em chưa tốt lắm. Đặc biệt là những em học sinh ở vùng nông thôn, hầu như đa phần kiến thức căn bản về giao tiếp tiếng Anh của các em đều không tốt như phần ngữ pháp”.
Việc giảng dạy bộ môn tiếng Anh theo hướng mở, học bộ môn này không nên quá khô cứng, nên tạo tâm lý thoải mái. Chẳng hạn như trong tiết học cần phải lồng ghép vào bằng những trò chơi, những đoạn phim, bài hát, để kích thích sự hiếu động, học hỏi của các em học sinh. Tâm lý giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh cũng cần phải thật sự thoải mái, mới làm cho các em học sinh hoà vào không khí sôi động của tiết học. Học sinh cần chủ động trong quá trình học môn học này, nhất là phần từ vựng, cần phải học thật nhiều từ vựng mới có được vốn từ trong giao tiếp, đặc biệt là phải mạnh dạn giao tiếp nhiều bằng tiếng Anh trong tiết học, không nên ỷ lại, hoặc ngại ngùng vì nói sai. Cần phải tìm tòi, học thuộc các vốn từ bằng cách sử dụng các trang mạng, hoặc trên sách vở, các chương trình truyền hình, nếu tinh thần tự giác học hỏi cao thì môn Tiếng Anh sẽ không còn là khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Trâm, hiện giảng dạy tiếng Anh Trường THPT Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, chia sẻ kinh nghiệm: “Từ năm 2008, tôi áp dụng phương pháp trình chiếu cho việc giảng dạy trên lớp và tích hợp trò chơi, đoạn clip ngắn, âm nhạc, các đoạn đối thoại. Áp dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy, giúp tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Ngoài việc sử dụng các trang trình chiếu bằng máy tính, tôi còn sử dụng cách cho điểm khuyến khích ngay trong buổi học, thay cho thang điểm kiểm tra miệng, làm cách này kích thích được tinh thần xung phong của các em”.
Hướng mở cho tiếng anh giao tiếp
Hiện tại, TP Cà Mau có 11 cơ sở, trung tâm ngoại ngữ. Việc thành lập các cơ sở, trung tâm này nhằm hỗ trợ, phục vụ cho những nhu cầu cần phát triển, nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là cải thiện lĩnh vực giao tiếp. Các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ được Sở GD&ĐT kiểm duyệt và đánh giá chất lượng hằng tháng qua các bản báo cáo thực tế.
Bà Huỳnh Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh, cho biết: “Nắm bắt nhu cầu học tiếng Anh của người dân địa phương, đặc biệt là về phần giao tiếp, nên chúng tôi tập trung nhiều về vấn đề này. Chúng tôi luôn hỗ trợ phần thực hành giao tiếp cho các học viên tại trung tâm. Hiện tại, việc đánh giá chất lượng của trung tâm được thể hiện qua các kỳ thi chứng chỉ Cabridge English. Với những bài test kiểm tra đầu vào được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ đó sẽ sắp xếp vào những lớp đúng với khả năng của học viên”.
Em N.H, học viên lớp Ielts 4.5-5.5, tại Trung tâm Ngoại ngữ Việt - Anh, chia sẻ: “Học môn Tiếng Anh từ lớp 3 nên đối với bản thân, môn học này không xa lạ hoặc nhiều khó khăn. Em cảm thấy môn Tiếng Anh chủ yếu quan trọng là phần giao tiếp, học tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài họ hiểu, đó mới là thành công, chứ không phải kiểu học lấy điểm 10 là xong. Hiện tại lớp em đang học tại Trung tâm Việt - Anh, giáo viên giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên sau một thời gian học, em tự tin về phần giao tiếp của em tương đối ổn”.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý, môn Tiếng Anh là môn học đòi hỏi tinh thần thoải mái, không gượng ép, có như vậy mới có thể dễ dàng tiếp thu. Vì vậy, phụ huynh nên tạo tâm lý thoải mái, không gây ức chế cho các em, không bắt buộc các em phải học tại một trung tâm nào đó, nhất định dẫn đến tình trạng ngồi cho có mặt để cha mẹ vui lòng, chứ không tha thiết học./.
Bài và ảnh: Khánh Phương