(CMO) “Tính đến ngày 31/10, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm năm 2021 chuyển sang) đạt 2.336,231 tỷ đồng, bằng 55,2% kế hoạch vốn được phân bổ chi tiết”, ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo tại Phiên họp thường kỳ tháng 10 của UBND tỉnh, sáng ngày 4/11. Chủ trì phiên họp có đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo ông Thánh, với kết quả trên, Cà Mau có tỷ lệ giải ngân bình quân chung cao hơn cả nước (bình quân chung 10 tháng của cả nước đạt 45,89%). Cà Mau nằm trong danh sách 11 Bộ và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55% (xếp thứ hạng 25/63 tỉnh, thành phố).
Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo tại phiên họp. |
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt không hài lòng với kết quả này và cho rằng đang còn chậm so với kế hoạch, chưa đạt được kỳ vọng nhằm tạo bức phá, chuyển biến tích cực khi mà thời gian còn lại của năm sắp hết.
“Vốn ngân sách trung ương thực hiện 3 chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) chỉ giải ngân được 8,550 tỷ đồng, bằng 4,6% kế hoạch vốn là rất thấp, trong khi nhu cầu cho lĩnh vực này rất cấp thiết”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ.
Được biết, vốn cho 3 chương trình MTQG năm 2022 ngay từ đầu năm được xác định trên 184 tỷ đồng, sau đó được bổ sung lên con số hơn 210 tỷ đồng. Đến thời điểm cuối tháng 9 vừa qua vẫn chưa được tiến hành giải ngân. Song, trong tháng 10 đã giải ngân 8,550 tỷ đồng, bằng 4,6% kế hoạch vốn; trong đó, chương trình xây dựng nông thôn mới bằng 0,8% kế hoạch vốn, chương trình giảm nghèo bền vững bằng 3,1% kế hoạch vốn; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng 21,6% kế hoạch vốn.
Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết, nguồn vốn cho 3 chương trình MTQG năm 2022 trên địa bàn có tỷ lệ giải ngân rất chậm. Hiện có 8 công trình giá trị đầu tư trên 1 tỷ đồng, người dân hiến đất, nền đường đất đen đảm bảo, địa phương xin cơ chế đặc thù (không phải đấu thầu) mới có thể đẩy nhanh tiến độ, còn theo quy định thì sẽ không đảm bảo.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, do có sự chủ động nên đến ngày 25/11 này địa phương sẽ tiến hành giao thầu cho các chủ đầu tư thực hiện các công trình giao thông từ nguồn vốn chương trình MTQG.
Được biết, kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2022, đến ngày 28/5/2022 mới được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg. Sau đó, HĐND tỉnh tiến hành thông qua tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 13/7/2022, tiếp đó đến ngày 26/7/2022 UBND tỉnh phân bổ tại Quyết định số 1864/QĐ-UBND.
Tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công luôn là vấn đề nổi cộm được quan tâm thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ xuyên suốt trong các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, tuy nhiên chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Công trình cầu Ông Đốc, một công trình trọng điểm trong dự án trục lộ Đông - Tây đang được đẩy nhanh tiến độ. |
Sản xuất nông nghiệp, cả về nuôi tôm và các hình thức trồng lúa năm nay có nhiều thuận lợi, được dự báo sẽ mang lại năng suất, sản lượng khá cao. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt, việc thiếu đảm bảo trong đầu ra mỗi khi được mùa, bị thương lái ép giá, cũng như chưa có cơ sở chế biến tại chỗ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, dẫn đến niềm vui của người nông dân chưa được trọn vẹn. |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Thánh cho biết, một số nguồn vốn được trung ương giao vào thời điểm giữa năm 2022, như: Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2021 chuyển sang năm 2022 đến ngày 19/5/2022 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022. Một số nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh được bố trí chủ yếu cho các dự án, công trình khởi công mới, bao gồm các dự án trọng điểm của tỉnh nên đến khoảng quý II/2022 mới khởi công và phát sinh khối lượng để giải ngân; một số dự án trọng điểm của tỉnh đến khoảng giữa và cuối quý IV/2022 mới đủ điều kiện khởi công nên thời điểm này chưa giải ngân được kế hoạch vốn đã giao.
Tuy nhiên, ông Thánh cũng thừa nhận, năng lực của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn hạn chế, chưa đảm bảo; công tác phối hợp nghiệm thu khối lượng hoàn thành giữa chủ đầu tư và nhà thầu chưa đạt yêu cầu; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán. Công tác rà soát, đăng ký nhu cầu vốn của chủ đầu tư chưa sát với khả năng giải ngân dẫn đến phải điều chỉnh vốn nhiều lần. Công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, lần này Đoàn kiểm tra IUU của Ủy ban châu Âu không làm việc trực tiếp tại Cà Mau, nhưng đến giờ vẫn chưa có thông tin gì về việc gỡ “thẻ vàng”. |
Nhận định tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ còn gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt một lần nữa nhắc các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án phải tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện từng dự án, công trình theo lộ trình, kế hoạch được ấn định cụ thể từng thời điểm.
“Dứt khoát phải đạt 93% trở lên đến thời điểm cuối năm, nguồn nào và thuộc lĩnh vực, địa phương nào không đạt phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đồng thời đề nghị, ngay từ bây giờ phải chủ động trong chuẩn bị các điều kiện, nhất là về mặt hồ sơ cho các dự án, công trình sẽ được đầu tư năm 2023.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo những vấn đề liên quan đến việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; chủ động hơn nữa trong phòng, chống thiên tai những tháng cuối năm, nhất là triều cường ảnh hưởng đến sản xuất, hạ tầng giao thông.
Không hài lòng khi đã hết thời gian quy định (tháng 9) và gia hạn thêm trong tháng 10, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều địa phương chưa trình được kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất hằng năm để cơ quan chuyên môn thẩm định, Chủ tịch UBND tỉnh kiên quyết: “Trong tháng 11 này phải xử lý dứt điểm trong thẩm định, trình quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Ai không quyết liệt, địa phương nào không hoàn thành sẽ có kiểm điểm, xử lý trách nhiệm”.
Trong tháng 10, các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển. Lũy kế 10 tháng, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so cùng kỳ như: Tổng sản lượng thủy sản tăng 0,5%, trong đó sản lượng tôm tăng 6,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,6% (sản lượng chế biến tôm tăng 6,4%, sản lượng phân bón tăng 3,6%); kim ngạch xuất khẩu tăng 27,9%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 60%, số vốn đăng ký tăng 2,2 lần; số lượng khách du lịch tăng 105% so cùng kỳ và vượt 14,4% kế hoạch năm 2022; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; số vụ tai nạn giao thông và số người chết giảm so với cùng kỳ; quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững,...
Trần Nguyên