ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 7-11-24 00:40:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tết Quân - Dân

Báo Cà Mau (CMO) Bạn tôi công tác ở báo Long An gọi điện: “Bạn đang ở đâu mà nghe ồn ào, huyên náo vậy?". Tôi trả lời: “Mình đang vui Tết Quân - Dân, do lực lượng vũ trang TP Cần Thơ tổ chức tại xã Thới  Xuân, huyện Cờ Đỏ”. Bạn tôi: “TP Cần Thơ tổ chức được hoạt động đó, hay quá. Qua báo, đài mình biết, lực lượng vũ trang miền Tây tết nào cũng tổ chức vui xuân cùng bà con. Rõ ràng, bộ đội ở miền Tây ngày càng có những việc làm tươi mới, sinh động và phong phú”. Tôi khẳng định: “Đúng vậy, tết này, 12 tỉnh, thành phố đều tổ chức Tết Quân - Dân, vui lắm đó bạn!".

Mở màn là TP Cần Thơ, năm 2006, đã phát kiến mô hình Tết Quân - Dân. Theo đó, mỗi tết, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố kết hợp các ngành, các địa phương huy động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ vật chất giúp một địa phương còn khó khăn, hoặc đang phấn đấu đạt chuẩn NTM. Với phương châm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), lực lựng vũ trang thành phố, trong đó chủ công là lực lượng quân sự địa phương, cùng các ban, ngành, đoàn thể xây cầu, làm đường, sửa nhà, khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà gia đình chính sách, vận động Nhân dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm...

Địa phương nào được tổ chức Tết Quân - Dân, dường như nơi đó mùa xuân đến sớm hơn cả tháng trời. Khắp xóm, ấp băng rôn, cờ đỏ tung bay phần phật; Nhà nhà rộng cửa đón các chiến sĩ. Trên các tuyến đường ấp, khóm, bộ đội và chính quyền, đoàn thể địa phương nhanh tay đắp lộ, xây cầu, bàn giao nhà...

Vui nhất, nhớ nhất là hôm kết thúc Tết Quân - Dân thì gói bánh tét, nhiều nơi còn quết bánh phồng, chiên bánh xèo; Tối liên hoan văn nghệ, tiếng hát hoà trong tiếng đàn ngân nga, vang xa… Bao việc làm là bấy nhiêu tấm lòng, nghĩa cử của bộ đội thời bình hướng về Nhân dân. Giữa niềm vui xen lẫn niềm luyến lưu, bùi ngùi của buổi chia tay, người đến (Bộ đội Cụ Hồ) với người sở tại (cán bộ, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân, nhất là các thôn nữ miệt vườn) bịn rịn chia tay, mọi người nhớ hoài về những ngày quân - dân cùng nhau đón xuân mới tươi vui, ấm áp.

Chưa thống kê đầy đủ số lượng công trình, phần việc do lực lượng vũ trang TP Cần Thơ thực hiện trong 16 mùa xuân qua, chỉ biết rằng, mỗi mùa xuân một chủ đề; Chẳng hạn như: “Lực lượng vũ trang TP Cần Thơ vui tết cùng đồng bào các tôn giáo”; “Lực lượng vũ trang TP Cần Thơ chung sức xây dựng NTM và vui tết cùng đồng bào các dân tộc”... Những địa phương được tổ chức Tết Quân - Dân, diện mạo dường như choàng thêm áo mới. Nào là nhiều con đường mới nối liền các khu dân cư, số nhà tạm, nhà xiêu vẹo giảm dần, những gia đình chính sách, hộ nghèo được khám bệnh, cấp thuốc, được trao quà. Nhưng có lẽ hiệu quả hơn cả là quân và dân tiếp tục nâng cao ý chí, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn xóm, phố, tình hình trật tự an toàn xã hội được ổn định. Qua đó, hình ảnh bộ đội thời bình được khắc hoạ sống động trong lòng Nhân dân. 

Cựu chiến binh Phan Văn Trương, ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (địa phương diễn ra Tết Quân - Dân năm 2020), 1 trong 14 hộ được trao nhà Tình đồng đội, bày tỏ: “Bộ đội và dân quân tự vệ cất cho tôi căn nhà rộng hơn 60 m2, lót nền, tường xây, chắc chắn, tôi mừng quá cô ạ. Tết này gia đình tôi vô cùng hạnh phúc”.

Gói bánh tét thắt chặt tình quân - dân. (Ảnh chụp Tết Quân - Dân năm 2019 tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).  Ảnh: Chi Lăng

Tiếp nối thành tích "Dân vận khéo" của lực lượng vũ trang TP Cần Thơ, lần lượt các địa phương: An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang và Đồng Tháp đều tổ chức Tết Quân - Dân. Mỗi địa phương một biện pháp thực hiện và quy mô, số lượng công trình, phần việc tuỳ vào nguồn huy động của địa phương, nhưng nơi nào cũng đạt được mục tiêu, đó là: Quân đội hướng về hậu phương, chung tay xây dựng NTM; Đồng thời, tăng cường tình đoàn kết quân - dân, xây dựng thế trận lòng dân.

Mùa xuân Canh Tý 2020 này, 12 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL đều diễn ra Tết Quân - Dân. Theo đó, nhiều địa phương triển khai kế hoạch từ nửa năm 2019 và ra quân xây dựng các công trình từ trung tuần tháng 9. Nhằm nâng cao chất lượng phong trào “Lực lượng vũ trang Quân khu 9 chung tay xây dựng NTM”, Tết Quân - Dân 2020, các đơn vị quân sự thuộc lực lượng vũ trang Quân khu 9 đều hướng tới những vùng nông thôn sâu, những địa phương gần hoàn thành tiêu chí xã NTM để tiếp sức. Chẳng hạn tỉnh Kiên Giang với chủ đề: “Lực lượng vũ trang Kiên Giang cùng Nhân dân xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận chung sức xây dựng NTM”, nhiều ngày qua, nơi đây đã diễn ra khá nhiều hoạt động, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình “5 không, 3 sạch”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM” và giúp gần 70 hộ gặp khó khăn về nhà ở đón xuân trong ngôi nhà mới.

Điều thú vị của Tết Quân - Dân năm 2020 là, bên cạnh tết “chính” do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, tỉnh chủ trì tại một xã, nhiều quận, huyện, lực lượng vũ trang cũng hướng về cơ sở tổ chức vui tết cùng Nhân dân. Điển hình như TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, hầu hết các địa phương trong địa bàn đều tổ chức Tết Quân - Dân. Đại tá Trịnh Hoàng Phong, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, thông tin: “Tuy Đồng Tháp triển khai Tết Quân - Dân được vài năm, nhưng hiệu quả của mô hình này đã lan toả sâu rộng, thuyết phục được niềm tin của nhiều mạnh thường quân và doanh nghiệp. Mặt khác, lực lượng vũ trang trong tỉnh có nhiều biện pháp huy động, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp vật chất hỗ trợ Tết Quân - Dân triển khai xây dựng được nhiều công trình, phần việc. Đơn cử như Tết Quân - Dân năm 2020, với chủ đề “Đoàn kết quân - dân”, sau 2 tháng phát động, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh đã tiếp nhận trên 2 tỷ đồng”.

Hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, tuy không hẹn, nhưng cùng hướng ra địa bàn ven biển còn nhiều khó khăn để tổ chức Tết Quân - Dân. Trong đó, Cà Mau chọn xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân; Bạc Liêu chọn xã Long Điền, huyện Đông Hải để tổ chức Tết Quân - Dân. Ngay từ khi triển khai kế hoạch, cấp uỷ, chính quyền địa phương và Nhân dân nơi đó rất phấn khởi, mọi người háo hức chờ đợi và nguyện góp sức. 
Tại xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Thượng tá Trần Văn Sơn, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Tân, cho biết: “Dù điều kiện vật chất ở xã còn thiếu thốn, đời sống Nhân dân còn khó khăn, nhưng khi chúng tôi đến đóng quân, bà con sẵn sàng đón tiếp; Cấp uỷ chính quyền, nhất là khối đoàn thể sát cánh cùng chúng tôi thực hiện các công trình, phần việc. Do vậy, sau 3 tuần về xã, chúng tôi đã hoàn thành gần 70% khối lượng các công trình, phần việc”.

Xác định Tết Quân - Dân là một trong các hoạt động “Dân vận khéo”, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thiết thực của cả hệ thống chính trị; Đồng thời là dịp để lực lượng vũ trang tri ân với Nhân dân, thắt chặt hơn tình đoàn kết quân - dân, do đó, từ các đồng chí cấp uỷ, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, đến những cán bộ, chiến sĩ được phân công tham gia công tác Tết Quân - Dân đều thực hiện nhiệm vụ bằng cả tinh thần và trách nhiệm, xem việc làm giúp dân như việc của gia đình mình. Hơn nữa, mọi người đều thẩm thấu ý niệm quân - dân chung sức xây dựng quê hương tươi đẹp là ý Đảng, lòng dân nên ai cũng mong muốn góp công, góp sức. Tại công trình giao thông Cái Bí - Kinh Kho thuộc Ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, các chiến sĩ dân quân tự vệ, công an Nhân dân, cùng một số bà con đang cật lực lao động. Gợi chuyện, mọi người bày tỏ: Mùa này, nắng nóng, lao động vất vả, nhưng mọi người ai cũng cố gắng làm nhanh, hoàn thành để tết đến nơi này thêm sạch đẹp, mọi người qua lại thuận lợi.

Mặt khác, với quyết tâm: Tết Quân - Dân để lại nhiều dấu ấn, mang lại nhiều niềm vui cho địa phương, các đơn vị đã đẩy mạnh vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ vật chất và cùng các ban, ngành thiết kế nhiều hoạt động sinh động, ý nghĩa, giàu bản sắc như công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giao lưu văn hoá - văn nghệ...

Mùa xuân Canh Tý 2020 đang về, đi qua những địa phương được lực lượng vũ trang triển khai Tết Quân - Dân năm 2020, ta bắt gặp nhiều hình ảnh sinh động, tươi mới và rực rỡ sắc màu. Trong nắng xuân mênh mang, trong sinh cảnh lung linh ánh vàng của mai, của cúc, vạn thọ…, đó đây cờ đỏ, sao vàng tung bay trong gió hoà quyện màu xanh từ những bộ quân phục của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Tất cả hoà quyện, điểm tô cho mùa xuân đong đầy yêu thương./.

Hồ Trúc Điệp

Danh mục hộp quà tặng tết cao cấp nhập khẩu

Tăng tốc hoàn thiện các công trình, phần việc chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc

Sáng nay (3/11), Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, Nguyễn Minh Luân và Lê Văn Sử đồng chủ trì cuộc họp rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện các hoạt động chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954-2024.

Chị Yến

Năm 1953, các trường trung học kháng chiến đưa học sinh đi tính thuế nông nghiệp. Chị Yến trong đoàn học sinh Bạc Liêu đến xã Tân Phú, huyện Hồng Dân làm nhiệm vụ. Thuế nông nghiệp tính theo 3 bậc: “lãnh canh”, “trực canh”, “phát canh”; ưu tiên cho nghèo làm đất mướn (lãnh canh) và có đất tự làm (trực canh) và tăng 25% đối với điền chủ cho mướn đất thu tô (phát canh). Do đó, phải có trình độ bút toán khá mới tính thuế nông nghiệp được.

Tăng cường “phủ xanh” thông tin tích cực, ngăn chặn thông tin xấu độc

Tăng cường "phủ xanh" thông tin tích cực, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, làm trong sạch không gian mạng là mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của tất cả công dân Việt Nam yêu nước.

Nhớ những ân tình trên đất Bắc

Trong rất nhiều câu chuyện của các cô chú đi tập kết 1954, mỗi người một độ tuổi, một vị trí công tác và ở những địa phương khác nhau, nhưng hầu như câu chuyện nào cũng nhắc đến sự cưu mang, nhường cơm sẻ áo của đồng bào miền Bắc.

Công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc - Các hạng mục đã cơ bản hoàn thành

Công trình xây dựng Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2024, với diện tích hơn 10 ha.

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những nữ đại biểu dân cử vì dân

Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu HÐND các cấp, qua đó giúp phụ nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội.

“Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” trong trường học

Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Phan Ngọc Hiển, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Năm Căn phối hợp với các đơn vị thực hiện và xây dựng. Ðây là mô hình đầu tiên được triển khai trong khuôn viên trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh

Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.

Sưu tầm được nhiều tư liệu, hiện vật quý

Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.