Màu đỏ cam tươi roi rói của những quả nhót chín thấp thoáng dưới tán lá xanh thẫm đã làm cho tôi thèm, thèm đến nao lòng... để rồi chợt nhớ về làng quê yên bình thuở ấu thơ, nơi tôi từng có rất nhiều kỷ niệm.
Màu đỏ cam tươi roi rói của những quả nhót chín thấp thoáng dưới tán lá xanh thẫm đã làm cho tôi thèm, thèm đến nao lòng... để rồi chợt nhớ về làng quê yên bình thuở ấu thơ, nơi tôi từng có rất nhiều kỷ niệm.
Nhà tôi ở xã Thượng Kiệm, còn nhà bác Cả thì ở xã Lưu Phương kề bên. Hai xã đều nằm cạnh con sông Ân hiền hoà thơ mộng thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Vườn nhà bác Cả có rất nhiều hoa quả để cho một con nhóc như tôi mê tít. Hoa thì có mai trắng, lay ơn, thược dược… Quả thì có táo Thiện Phiến rất to và ngon, rồi mít, mãng cầu, chanh, cam, nhót… Còn rau thì ôi thôi, su hào, bầu, bí, khoai tây… Vì là vườn tạp nên mùa nào thức ấy. Ðất rộng nên nhà bác Cả trồng đủ loại, vừa ăn, vừa bán, vừa cung cấp miễn phí rau quả cho mấy mẹ con tôi ở nhà tập thể. Những hôm không phải đi học, tôi hay xin mẹ sang nhà bác chơi, theo chân chị gái con bác đem nông sản ra chợ Lưu Phương để bán. Chị bảo tôi ngồi trông hàng để chị đi mua thức ăn. Sau buổi chợ, thế nào chị cũng mua cho tôi khi thì bắp luộc, lúc bánh gai, bánh mật, có lúc lại là cái bánh tráng vừa nướng thơm phưng phức... Tôi thích đi chợ cùng với chị không chỉ để ăn quà vặt mà còn “học hỏi” cách chị bán hàng nữa.
“Bà mua giúp cháu mớ rau đay nhá"; "Bầu non đấy cô ạ! Cô xem, lông tơ nhiều thế này sao mà già được chứ"; "Em mua nhót đi! Nhót chị vừa mới hái còn đầy phấn này”… Cứ thế, chị mời chào một loáng là xong gánh hàng.
Ngày tháng cứ thế trôi qua, sau mấy chục năm xa xứ, tôi trở về quê cũ thăm bác gái và chị. Chị tôi đã lấy chồng, ở riêng, nhưng có lẽ do có duyên mua bán nên chị đã mở quầy tạp hoá bán ngay ở cái chợ năm xưa. Chị hỏi tôi thích ăn gì? Tôi nói: “Em thèm ăn canh cua rau đay, cà pháo và tôm rang…”. Thế là chị xăng xái ra chợ xách về tất cả những thứ tôi thèm, hai chị em vừa chuyện trò, vừa nấu nướng, bữa cơm nhà quê đơn giản thế thôi nhưng thật ngon miệng.
Ðến chiều, mấy chị em, dì cháu lại kéo sang “tăm tia” nhà bác Cả. Mấy đứa cháu dẫn tôi ra thăm vườn, tôi hỏi chị những cây nhót, cây sung chỗ góc vườn đâu hết rồi? Chị bảo, từ khi bác Cả mất, bác gái già yếu, không có sức chăm sóc vườn nên nhà phải bán bớt đất cho người ta. Tôi nhắc lại chuyện chị và tôi ra vườn bẻ nhót non ăn, bác Cả tưởng kẻ trộm từ trong nhà chạy ra định chửi thì hoá ra là con và cháu gái… “Tao tưởng chúng mầy bẻ mướp ở bờ ao, nhót còn non đã ăn được đâu mà hái”. Cả hai chị em cùng phá lên cười. Bác mắng thế thôi chứ bác cũng thừa biết là tụi con gái rất thích ăn chua, mà đợi khi nhót chín thì còn lâu lắm...
Kể ra thì hơn 30 năm nay tôi chưa từng nhìn thấy quả nhót chứ đừng nói là được ăn. Tôi chỉ nhớ mang máng là khi ăn nhót chín thì nhất định phải chùi những hạt trắng bám trên vỏ vào quần áo hay cái khăn cho hết phấn. Tiếc là trong miền Nam không thấy có thứ quả này nên thèm ăn nhót cũng đành phải chịu!./.
Bài và ảnh: Kim Thư