“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi/ Anh thương binh vẫn đến trường làng vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”. Ðã đôi lần, tôi được nghe bài hát này, một sáng tác rất ấn tượng của Nhạc sĩ Trần Tiến. Nghe ca sĩ hát cũng có, thí sinh hát cũng có, anh bạn phòng bên hát nghêu ngao cũng có.
“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi/ Anh thương binh vẫn đến trường làng vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”. Ðã đôi lần, tôi được nghe bài hát này, một sáng tác rất ấn tượng của Nhạc sĩ Trần Tiến. Nghe ca sĩ hát cũng có, thí sinh hát cũng có, anh bạn phòng bên hát nghêu ngao cũng có. Nhưng mới đây, trong không khí hào hùng của họp mặt ngày 27/7, tôi như lặng người, cổ họng nghèn nghẹn, mắt không thôi hướng về ông - người thương binh 2/4, đang ở tuổi thất thập cổ lai hy, tay run run gảy ghi-ta hát với giọng khàn đặc, ngắt quãng, đôi lúc nghẹn ngào.
Ánh mắt ông nhìn xa xăm bỗng vụt sáng như đang thấy lại đồng đội mình. Kia là ông bạn pháo binh đây - cô giao liên có mái tóc dày tha thướt, đó - anh bạn trong đoàn văn công đang cầm đàn bắt nhịp, cùng anh em hát mãi những khúc quân hành. Những hình ảnh ấy của một thời mưa bom, bão đạn, cái thời mà người ta không chỉ nhường cho nhau chén cơm, manh áo mà có thể đem cả mạng sống của mình để chở che cho đồng đội. Ðể rồi hôm nay, khi đất nước thanh bình, trong số ấy không ít người mãi mãi không về. Những người được may mắn hưởng độc lập như ông, trên cơ thể đã không còn lành lặn. Những vết thương xưa theo năm tháng âm ỉ những cơn đau khi trái gió trở trời. Dẫu vậy, họ vẫn không thôi nhớ về nhau, vẫn nghị lực, yêu đời, sống thay cả phần người ngã xuống.
Và có lẽ, đó là nguồn động lực để những người thương binh như ông hát trọn vẹn đến câu hát cuối cùng. Ðôi chân run run, ông đứng cúi chào trong tiếng vỗ tay thật giòn của những người đồng đội...
Nguyễn Văn Khoẻ